Câu Nhi, ngôi làng xứ Quảng
Câu Nhi là ngôi làng đặc biệt của xứ Quảng không chỉ vì đây là đầu nguồn của “con sông di sản” Vĩnh Điện; nơi xây dựng ngôi trường “đại học” đầu tiên của Quảng Nam mà còn vì thời điểm ra đời của nó vẫn đang còn gây “băn khoăn” cho các nhà nghiên cứu!
Ngôi làng với nhiều tên gọi
Câu Nhi, ngôi làng trải ra hai bên sông Vĩnh Điện, nay còn dấu tích là hai thôn Câu Nhi Đông và Câu Nhi Tây của phường Điện An, thị xã Điện Bàn. Trước đây làng Câu Nhi rộng hơn rất nhiều, gồm 7 xóm là Miên La, Đồng Phủ, Hạnh Ba, Thai La, Mục Mã, Nhà Đề, Nhà Bối. Xóm Nhà Bối và một phần của Mục Mã nay không còn do sạt lở. Hai xóm Đồng Phủ, Hạnh Ba lại nhập vào xã Điện Minh.
Lâu nay trên nhiều tài liệu cũng như dân gian vẫn gọi là Câu Nhi nhưng vẫn có những tên gọi khác. Câu ca dao mà phần lớn người Quảng đều biết lại gọi là làng Câu Nhí (từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bồng Miêu). Điều này cũng dễ hiểu, ông bà ta vẫn thường “vô tư” thêm một dấu vào cho phù hợp với thanh vận của câu ca dao.
Đặc biệt hơn, sách Địa bạ Gia Long (soạn khoảng 1812-1818), tài liệu đầu tiên đề cập đến ngôi làng này lại gọi là xã Câu Dy. Sách viết: “xã Câu Dy (thuộc tổng An Nhơn Trung, huyện Diên Khánh: Đông giáp châu Giới Phiên (thuộc Phú Châu); các xã Khúc Lũy, La Qua, Uất Lũy (tổng Hạ Nông Trung); xã Bất Nhị (tổng Đa Hòa Trung). Tây giáp xã Hạ Nông, Bất Nhị (tổng Đa Hòa Trung); châu Doanh trấn Đông (thuộc Phú Châu); xã Bằng An (tổng Hạ Nông Trung). Nam giáp xã Hạ Nông, Bất Nhị (tổng Đa Hòa Trung); xã Bằng An (tổng Hạ Nông Trung), lấy bờ ruộng làm mốc. Bắc giáp các xã La Qua, Khúc Lũy, Hạ Nông (tổng Hạ Nông Trung), xã Hoa Long, Bất Nhị, châu Đông Bàn, Chu Phong, Liên Trì, Bằng An, lấy bờ ruộng làm mốc. Địa giới này hoàn toàn khớp với địa giới xã Câu Nhi trong các tài liệu khác.
Lại nữa, trong Đại Nam nhất thống chí, khi đề cập đến trường tỉnh Quảng Nam lại cho rằng được đặt ở xã Câu Nhi vào năm 1802, mà các dịch giả ở Viện Sử học lại chú thêm sách ghi là Câu Nghê.
Dầu vậy, tất cả đều nhất trí một điều Câu Nhí, Câu Dy, Câu Nghê đều là cách viết trại từ Câu Nhi. Đây có lẽ là từ thuần Nôm, được ghi bằng chữ Hán đồng âm dùng để chỉ địa danh mà thôi. Tìm trong các bộ từ điển Hán - Việt thông thường đều không có từ theo tự dạng này.
Ngôi làng của các lưu dân “Bắc địa tùng vương”
Huỳnh Công Bá trong tác phẩm “Công cuộc khai khẩn và phát triển các làng xã ở Bắc Quảng Nam từ thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18” cho rằng làng được thành lập do những người họ Thân, Nguyễn, Trần, Đỗ… là lớp lưu dân “Bắc địa tùng vương” từ cuối thế kỷ 15, cùng thời với các làng cổ Cẩm Sa, Bảo An, Nông Sơn, Lỗ Gián…
Nguyễn Xuyên trong “Thân tộc với vùng đất Quảng Nam”, cho biết cụ thể hơn: “Trong cuộc bình Chiêm năm 1471, đoàn quân nam chinh có tiền quân của đại tướng quân Lê Niệm, trong đó có ngài Thân Phước Cẩm, thuỵ Minh Đức là một tướng tài. Sau khi thắng lợi, Ngài được lệnh ở lại trấn giữ, đóng lỵ sở trên một vùng đất thuộc huyện Điện Bàn, cạnh dòng sông Cái (Thu Bồn ngày nay) chảy ra Cửa Đại. Ngài Thủy tổ tộc Thân cùng với các bậc tiền bối các tộc họ khác (Nguyễn, Đỗ, Trà, Trần, Ngô...) đã tổ chức khẩn đất hoang, lập làng và theo địa giới mới khai khẩn trong 3 năm, lập thành xã Câu Nhi”.
Tuy vậy, không thấy tên làng Câu Nhi, huyện Điện Bàn trong các tác phẩm kinh điển thời Lê, chúa Nguyễn như Ô châu cận lục (1555) và Phủ biên tạp lục (1776). Phải đợi đến Địa bạ Gia Long, tên Câu Nhi mới được đề cập. Sau Địa bạ Gia Long, sách Đồng Khánh địa dư chí (1887-1890) và Tập san của Hội Đô thành hiếu cổ (B.A.VH) thời Khải Định (1917) tên Câu Nhi thực sự được xác định.
Phải có gì đó đặc biệt làng Câu Nhi mới được vua Gia Long chọn làm nơi xây dựng trường Đốc Quảng Nam vào năm 1802 và sau đó Minh Mạng chọn làm nơi khởi đầu cho dòng sông Vĩnh Điện. Điều này đã được ghi lại một cách cụ thể trong Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục.
Năm 1471 hay 1558?
Nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn băn khoăn về thời điểm thành lập làng (1471) như Huỳnh Công Bá và Nguyễn Xuyên đã đề cập. Lý do để họ băn khoăn là hoàn toàn có cơ sở. Câu Nhi là làng cổ của Quảng Nam nhưng không được hai tác phẩm kinh điển về hai xứ Thuận - Quảng là Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục đề cập như các làng cổ khác của Quảng Nam. Thêm nữa, gia phả họ Thân cho biết đến nay tộc họ này đã truyền được 16 - 17 đời. Không chỉ gia phả tộc Thân mà cả gia phả tộc Nguyễn Như (đồng tiền hiền của làng) cũng chỉ mới có 17 đời. Mặt khác gia phả này cũng cho biết có một số bà từ đời thứ nhất đến đời thứ 5 là người… Chiêm.
Nếu lấy mốc 1471 thì đến nay đã gần 550 năm, ít nhất phải truyền đến đời thứ 21 - 22 (khoảng 25 năm một đời). Nếu chỉ truyền đến đời 17 - 18 thì mốc 1558 (Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa) hoặc 1602 (Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân vào kinh lý Quảng Nam) thì hợp lý hơn. Một nhà nghiên cứu trong tộc Nguyễn Như dựa vào gia phả của tộc họ mình đã suy đoán rằng có lẽ tổ tiên ông đã từ làng Câu Nhi của phủ Triệu Phong Quảng Trị vào khai phá vùng đất này trong khoảng thời gian từ 1558 - 1620 và lập nên làng Câu Nhi. Lấy mốc thời gian này có thể làm một số người không đồng tình vì lịch sử làng sẽ bớt… lung linh nhưng xem ra lại hợp lý hơn! Và không chỉ làng Câu Nhi, mà cả làng Bằng An bên cạnh cũng được thành lập trong thời điểm này vì tiền hiền của làng Bằng An chính là em ruột của đồng tiền hiền làng Câu Nhi, người thuộc dòng họ Nguyễn Như (ông Nguyễn Như Thăng và Nguyễn Như Đệ).
Nếu chấp nhận thời điểm này chúng ta sẽ thấy nhiều điều thú vị: Chuyện ở lại của người Chiêm sau năm 1471, chuyện mô hình “da báo” đan xen giữa các làng Chăm và làng Việt trên đất Quảng như nhận định của Hồ Trung Tú trong “Có 500 năm như thế” là thực tế lịch sử. Và ta sẽ vô cùng thú vị khi hình dung tận những năm đầu thế kỷ 17, ở Quảng Nam, người ta vẫn còn thấy cảnh: “Người Việt đến cùng quần cư trong những làng Việt mới mở. Có thể làng này cách làng kia chỉ một con đường làng nhỏ. Có thể bên này là áo dài khăn đóng, bên kia là xà rông khăn vấn. Có thể bên này kiêng thịt bò, còn bên kia thì mỗi lần mổ bò lại trống chiêng inh ỏi. Có thể bên này bảo Shiva mới là chúa tể của tất cả, còn bên kia thì cãi, Ngọc Hoàng Thượng Đế mới là trên hết. Có thể họ lườm nhau, nguýt nhau, cãi nhau suốt 300 năm như thế. Biết làm sao được, đó là cuộc va chạm giữa hai nền văn minh khổng lồ của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Và phải chăng cú va chạm nảy lửa ấy vẫn còn để lại dấu vết đâu đó trong tâm hồn người Quảng?”(Nxb Thời Đại, trang 9 - 10).
Đến Câu Nhi ta vẫn nghe bà con ở đây nhắc đến những tộc họ đầu tiên đến lập làng “nhứt Thân, nhì Nguyễn, tam Trần, tứ Đỗ…” nhưng vẫn có người quả quyết: “nhứt Nguyễn, nhì Thân, tam Trần, tứ Đỗ…”. Họ bảo tộc Nguyễn mới chính là Chánh tiền hiền của làng. Chứng cớ là khi tiền hiền làng bị hư hỏng, lư hương của tiền hiền được gửi nhờ ở nhà thờ tộc Nguyễn Như, đến nay vẫn còn ở đó. Họ còn bảo việc chánh hay phó tiền hiền là việc tế nhị chỉ là vấn đề hiểu đúng lịch sử mà thôi. Các tộc họ cùng đoàn kết xây dựng làng xã như thế này là quý lắm rồi. Không dễ gì có cái nhìn “thoáng” như những người ở làng Câu Nhi. Các tộc họ ở nhiều làng khác vẫn còn “kèn cựa” nhau cái chức chánh tiền hiền của làng!
Lịch sử thành lập làng Câu Nhi đúng là thú vị và có khi đây cũng là thực trạng lịch sử của nhiều làng khác ở Quảng Nam!