Đi buôn vịt trời và kinh tế chia sẻ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/12/2019 08:18

Xưa có người muốn đi buôn nhưng mua phải một đàn vịt trời. Khi anh ta đến lùa đàn vịt đi về thì vịt bay hết, mất cả vốn. Tưởng chuyện tiếu lâm nhưng thực tế trong đời có phải cái gì ta cũng hiểu biết hết đâu, nhất là chuyện đi buôn (?).

Một thời rộ lên các vụ buôn hàng đa cấp. Rốt cuộc hàng chẳng thấy đâu, có công ty lừa lấy tiền người sau chung cho người trước, vỡ nợ.

Một dạo đất đai sốt giá, nhiều dự án rao bán tùm lum. Rốt cuộc đất chỉ vẽ trên bản đồ, mua khi chưa đủ thủ tục pháp lý nên chẳng có giấy tờ sở hữu gì cả, tá hỏa tam tinh.

Với vài ví dụ thế đủ thấy, ngay thời hiện đại, chuyện mua nhầm vịt trời không tiếu lâm chút nào. Có vụ hàng chục ngàn nạn nhân lâm cảnh nợ nần chồng chất, mất công đi đòi nhưng kẻ lừa đã cao chạy xa bay.

Trong những mẩu chuyện vừa kể có vấn đề sở hữu, mua một món hàng mà không được sở hữu món hàng đó và dĩ nhiên cũng không được quyền sử dụng. Nguy cơ là mất cả vốn lẫn lời. Nhưng thời nay có sự xuất hiện của loại hình kinh tế mà việc mua món hàng/dịch vụ và được sử dụng song ta không cần sở hữu nó, đó là kinh tế chia sẻ.

Kinh tế chia sẻ (sharing economy, hoặc tiêu dùng cộng tác) là mô hình mà ở đó các công ty sử dụng dịch vụ công nghệ để cung cấp thông tin về nhu cầu chia sẻ quyền sử dụng tài sản trong nhóm khách hàng nào đó. Nôm na thế này, ông A sở hữu 1 chiếc xe nhưng ít dùng trong khi ông B không có xe lại cần dùng. Cả A và B đều thông qua công ty C để đăng ký và kết nối; A vẫn sở hữu xe nhưng kiếm được thu nhập khi cho B thuê sử dụng, còn công ty C được hưởng phí dịch vụ kết nối. Như vậy, cái lợi từ tiêu dùng chia sẻ cho cả A, B, C.  

Kinh tế chia sẻ đem lại cái lợi là sử dụng công nghệ để cung cấp thông tin cho phép tối ưu hóa các nguồn lực thông qua sự tái phân phối, chia sẻ và tái sử dụng các năng lực dư thừa hàng hóa, dịch vụ. Thông qua các công ty sử dụng công nghệ điện thoại, GPS, 3G, thanh toán online, kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian.

Một tổ chức quốc tế ước tính nền kinh tế chia sẻ trên toàn cầu trong vòng 10 năm tới có thể cho giá trị khoảng 350 tỷ USD/năm. Vì muốn chia “miếng bánh” ấy nên nhiều quốc gia đã định hướng chiến lược phát triển nền kinh tế chia sẻ. Gần đây, ở Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” được nhắc tới khá nhiều. Mô hình này gắn với các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài như: Uber, Grab, Airbnb. Tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt start-up trong nước như: Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu...

Nhưng kinh tế chia sẻ cũng có mặt hạn chế và thách thức của nó. Đặc biệt ở Việt Nam, khái niệm “chia sẻ” chưa mang nghĩa “dùng chung” mà mang tính chất như hình thức cho thuê truyền thống. Trong khi đó, hành lang pháp lý ở ta chưa thông các vấn đề quản lý nhà nước về thuế, điều kiện kinh doanh, thanh toán không biên giới, an toàn lao động, bảo hiểm... đối với các công ty tham gia mô hình kinh tế chia sẻ. Vì vậy, đã nảy sinh những vấn đề phức tạp trong cạnh tranh không công bằng, có hiện tượng trốn thuế, chưa phân định chặt chẽ quyền sở hữu và sử dụng dịch vụ, chia sẻ lợi nhuận không minh bạch (dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo ngừng thực hiện chi trả lợi nhuận 12%/năm cho khách hàng mua căn hộ du lịch (condotel) từ ngày 31.12.2019 đã gây ra sự lo lắng đối với người đã mua dự án này).

Để đi vào nền kinh tế chia sẻ cần có công nghệ, nguồn nhân lực và môi trường pháp lý. Nếu không hiểu thấu đáo và xây dựng nền tảng vững từ ba thành tố đó mà ào ạt làm thì khác gì kiểu… buôn vịt trời.

NGUYỄN ĐIỆN NAM