Định vị Quảng Nam

TRỊNH DŨNG 14/12/2019 08:15

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh hay kinh tế số là xu hướng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quảng Nam đã xác lập đề án. Những diễn ngôn cho biết sẽ thêm nhiều cơ hội mở rộng không gian kinh tế (không gian kinh tế ảo song hành không gian kinh tế thực). Nhưng tác động cụ thể đến người dân, doanh nghiệp là gì không phải ai cũng biết, cũng hiểu! Để thêm góc nhìn rõ hơn cho vấn đề này, Quảng Nam Cuối tuần ghi lại ý kiến của chính quyền và các chuyên gia trong một hội thảo được tổ chức mới đây.

Một khâu trong dây chuyền công nghệ tự động hóa tại nhà máy ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một khâu trong dây chuyền công nghệ tự động hóa tại nhà máy ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Sứ mệnh định vị Quảng Nam trong tương lai”

Khá nhiều chủ trương, chính sách chủ động tham gia hội nhập cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này để đi tắt, đón đầu với cộng đồng quốc tế. Quảng Nam xem đây như một chiến lược vận động và triển khai từng bước trên nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau từ cấp tỉnh đến xã. Mặc dù đạt nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhỏ bé so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Nên cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền điện tử mạnh, tiến đến một nền quản trị thông minh trong cuộc cách mạng mới mẻ này. Đó là mục tiêu, yêu cầu của Quảng Nam. Việc phát triển các đô thị thông minh hướng đến kinh tế số, xã hội số là xu hướng tất yếu khi Quảng Nam đã quy hoạch mạng lưới và phát triển hệ thống đô thị trong quá trình công nghiệp hóa.

Quảng Nam đã chủ động, có sự tương tác với các nhà khoa học, chuyên gia. Sẽ có thêm những cuộc luận bàn làm thế nào để khai thác tối đa các tri thức trong xã hội số này. Quảng Nam nhận được nhiều điều bổ ích, từ những phân tích nhiều chiều khác nhau của các chuyên gia thông qua các cuộc hội thảo “Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn Quảng Nam”. Điều đó đã giúp cán bộ lãnh đạo cao nhất đến cơ sở của địa phương nhận diện rõ những thời cơ, thách thức và trách nhiệm của tất cả cơ quan trong việc triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và đề án này.

Để tránh sự lặp lại, đơn điệu, trùng lắp giữa các địa phương, chắc chắn Quảng Nam sẽ có cách tiếp cận khác, cách làm khác phù hợp với điều kiện thực tiễn Quảng Nam, phù hợp và tương thích với văn hóa, phong tục tập quán, trình độ dân trí, năng lực đội ngũ cán bộ, tạo khuôn mặt mới cho Quảng Nam, ít ra trong vòng 5 năm tới. Tỉnh đã xây dựng đề án có tính thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tế. Chúng tôi quan niệm không phải xây dựng đô thị thông minh, kiến thiết chính quyền điện tử theo phong trào. Đó không phải để trang sức, để ngắm. Trong đề án tổng thể xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, kinh tế số giao cho Sở TT - TT chủ trì trình HĐND đã yêu cầu rất rõ nhiệm vụ này. Cách tiếp cận được thực hiện đi từ dưới đi lên, trên cơ sở yêu cầu của lãnh đạo từ trên xuống. Các sở ngành, địa phương phải hiểu được ngành quản lý cần cái gì đề phục vụ cho việc quản lý, phát triển xã hội. Mỗi địa phương phải tìm ra được nét riêng biệt từ Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn cho đến Núi Thành... Tất cả điều này phải nằm trong tổng thể thống nhất. Nếu không sẽ tạo ra sự xung đột, không đồng nhất. Nhiệm vụ đặt ra cho Quảng Nam vô cùng cấp bách nhưng cũng hết sức thận trọng.

Quảng Nam sẽ làm việc với Ngân hàng thế giới (WB) và các chuyên gia để bàn về chương trình hỗ trợ của WB cho Quảng Nam về xây dựng đề án này, nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với các đối tác khác như KOICA, JICA và một số tổ chức châu Âu, tiếp tục hỗ trợ Quảng Nam để cụ thể hóa các nội dung. Một khi làm việc thành công với WB thì hy vọng đề án được xây dựng sẽ triển khai một cách nhanh nhất.

Tại sao Quảng Nam chọn WB giúp địa phương xây dựng đề án này mà không sử dụng nguồn đầu tư công, không sử dụng nguồn tài trợ khác? Đó là ý chí quyết tâm của lãnh đạo Quảng Nam khi thông qua làm việc với WB – một tổ chức tài chính mạnh, có uy tín, đã giúp đỡ Quảng Nam rất nhiều trong thời gian vừa qua về cải cách thể chế. Sự hỗ trợ của WB đồng hành với Quảng Nam xây dựng đề án này sẽ tạo áp lực, buộc cả hệ thống chính trị, cơ quan công quyền phải chạy theo, phải thực hiện. Không phải chỉ dựa vào nguồn lực đầu tư công bỏ ra, cứ làm rồi giải ngân... Quảng Nam vừa triển khai nhưng cũng vừa khẳng định quyết tâm lãnh đạo có một tầm nhìn, sứ mệnh trong định vị Quảng Nam trong tương lai. Không chỉ ở khu vực trọng điểm miền Trung mà còn muốn xứng đáng ở tầm quốc gia!

TS. Nguyễn Đức Hiển - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương: “Phải tạo ra sự khác biệt”

Công nghiệp chiếm ưu thế ở Quảng Nam (88%), nhưng cần dịch chuyển đa dạng hơn. Hiện địa phương đang phụ thuộc rất lớn vào ô tô Trường Hải, chiếm 43% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và góp 71% giá GDP. Đây là ưu điểm khi công nghiệp ô tô là lĩnh vực chế tạo ưu tiên phát triển. Nhưng Quảng Nam nên tập trung vào đâu nữa? Nên khuyến khích “thông minh hóa” theo từng công đoạn, từng ngành. Không có địa phương nào có thế mạnh phát triển du lịch như Quảng Nam. Từ di sản, kiến trúc đến ẩm thực. Quảng Nam có quỹ đất thì nên khai thác triệt để. Nhất là du lịch thông minh. Ngành văn hóa cũng đã có đề án, nhưng chờ bộ thì lâu lắm. Tốt nhất là địa phương tự chủ xây dựng, triển khai du lịch thông minh. Tác động đầu tiên về cầu mới hướng đến cung. Còn dệt may hiện chỉ gia công nên cần hướng đến thiết kế diện tích trồng bông, tạo chính sách, môi trường kinh doanh, phát triển các sản phẩm kỹ thuật số.

Đến Hội An là thanh toán không dùng tiền mặt, tại sao không? Cái này thuộc thẩm quyền của địa phương. Có chính sách phát triển về công nghiệp thông minh, về hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân địa phương tham dự. Không nên trông chờ vào chính sách của trung ương mà mạnh dạn phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo ra thương mại điện tử. Còn đề án đô thị thông minh thì cũng gần như các địa phương đều na ná như nhau. Cũng là công dân thông minh, quản trị thông minh… Xây dựng đô thị thông minh không thể làm dàn trải. Nó phải được xuất phát từ điều kiện, yêu cầu của địa phương, phải  tạo ra sự khác biệt, nhưng đề án không rõ, rất khó để thực hiện cái gì là quan trọng. Đó phải là hạ tầng xã hội, ICT, hình thành nền tảng cơ sở dữ liệu, nhưng Quảng Nam làm một lúc 4 hay 5 thành phố chì chưa chắc làm được. Đầu tiên phải tích hợp cho được cơ sở dữ liệu có hệ thống rồi sau đó hãy bàn, không thể triển khai mỗi nơi mỗi chút thì dữ liệu (cực kỳ quan trọng) sẽ không đồng nhất được.

Dây chuyền công nghệ tự động hóa ở nhà máy ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dây chuyền công nghệ tự động hóa ở nhà máy ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Khi tư tưởng lãnh đạo quyết tâm xây dựng đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử, chứ không phải mỗi nơi làm mỗi kiểu, tách rời thì sớm muộn gì Quảng Nam cũng sẽ xây dựng nên hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn ứng dụng số hóa một cách triệt để. Nhưng với chính quyền điện tử, dữ liệu số và hạ tầng dữ liệu, giao dịch trên internet thì quy trình, thủ tục… của các cơ quan phải đơn giản và hợp nhất. Điều cốt lõi là nhận diện đổi mới tư tưởng, mạnh dạn thuê các dịch vụ, chuyên gia chuyên môn hóa các lĩnh vực này, tránh bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả.

PGS – TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: “Lấy người dân làm trung tâm”

Quảng Nam dựa vào lợi thế, tài nguyên sẵn có (biển, biên giới, di sản, hạ tầng giao thông…) để phát triển, nhưng mọi cơ hội dường như vẫn đang ở dạng tiềm năng. Mức độ sẵn sàng và tiềm năng cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ vẫn chưa mạnh.

Không cần thiết phải có tính riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, nhưng cần rà soát, ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới mô hình này trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số thế giới. Quản lý Nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp phát triển (có kinh tế chia sẻ). Theo đó cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý Nhà nước cho phù hợp với xu thế của kinh tế số và cách mạng công nghệ 4.0. Nâng cao nhận thức của người dân về mô hình kinh tế chia sẻ. Có thể thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình này tại Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai và các nơi tập trung nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng từ Đà Nẵng đến Chu Lai. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai. Quá trình xây dựng lấy người dân làm trung tâm hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể hưởng thụ lợi ích. Tự địa phương phải chủ động trên nền tảng các hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ. Phải xác định lộ trình và hình thức đầu tư phù hợp, cần khung pháp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyên, doanh nghiệp và người dân.

Bố trí ngân sách cho việc nghiên cứu ứng dụng cách mạng 4.0, cân đối ngân sách theo hướng tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ… Dành riêng phần ngân sách tăng thêm cho việc nâng cấp, chuyển đổi công nghệ trong các ngành ưu tiên và nghiên cứu phát triển công nghệ mới của cách mạng 4.0. Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước, khuyến khích các mô hình kinh tế mới phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế địa phương.

Một trong điểm quan trọng là phân bố xây dựng 3 thành phố với 3 trụ cột. Kinh tế chia sẻ với nòng cốt là Hội An và vùng ven biển, kết nối với Đà Nẵng – Sơn Trà. Kinh tế số với hệ thống chung doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng với Khu kinh tế mở Chu Lai là nòng cốt và các khu công nghiệp, kết nối Khu kinh tế Dung Quất. Kinh tế số, đặc biệt là hệ thống chính quyền điện tử tại Tam Kỳ và hệ thống đất đai phải được quản lý bằng GPS, nhúng vào trong hệ thống internet.

PGS - TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Học viện quản lý và lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương: “Tiếp cận bằng chính năng lực địa phương”

Cuộc cách mạng 4.0 dựa trên nền công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Người tiêu dùng có được quyền lợi khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn buộc các doanh nghiệp phải thích nghi với kinh tế số, cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Nhưng phải nương theo cuộc cách mạng này bởi, bất kể doanh nghiệp nào, lớn hay nhỏ nếu không áp dụng công nghệ thì doanh nghiệp ấy sẽ không bao giờ lớn được. Cuộc cách mạng này cũng sẽ là một thách thức rất lớn. Công nghệ số sẽ tạo nên nhiều công cụ tiện ích như trí thông minh nhân tạo, sản sinh ra robot sản xuất sẽ khiến nhiều người mất việc hơn trong khi kinh tế cấp vĩ mô hay địa phương Việt Nam đang luôn lo lắng kiếm tiền việc làm cho người dân.

Công bằng và khách quan, Quảng Nam hiện vẫn là một tỉnh nghèo khi nhận diện từ việc phát triển doanh nghiệp. Bình quân 200 người mới có 1 doanh nghiệp là quá ít. Ít nhưng lại yếu khi có đến 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng, không chỉ Quảng Nam, mà cả Việt Nam đang đứng trước thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế. Khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn, dẫn đến sự phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn. Doanh nghiệp đang đứng trước áp lực hội nhập. Bài toán đầu tư công nghệ sao cho hiệu quả? Khả năng tài chính của doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu tiếp cận công nghệ mới hay không? Sẽ đầu tư ở mức nào phù hợp để không lãng phí, mang lại hiệu quả mà không thay đổi cấp độ quá nhiều? Đây chính là vấn đề các doanh nghiệp cần cân nhắc. Chưa kể đến nguồn nhân lực hiện đang có vấn đề khi chuyên môn hóa không nhiều!

Lo lắng là điều cần thiết nhưng không cần phải sợ nó. Quan trọng nhất là tiếp cận nó bằng năng lực của chính địa phương. Một khi đã chọn con đường này, trước tiên phải nhìn nhận được mình đang ở đâu, đứng ở vị trí nào. Cần một phân tích cụ thể năng lực hiện tại của địa phương. Chính phủ đã xác định sự phát triển của doanh nghiệp là xương sống nền kinh tế nên đã có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, từ chuyện cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn đến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn. Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng như năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, có đủ quỹ đất để xây dựng một nền nông nghiệp sạch mà thế giới đang rất cần và tiềm năng du lịch. Chỉ cần phát triển 3 yếu tố ấy thành mũi nhọn, còn các yếu tố khác chỉ phục vụ cho 3 ngành ấy phát triển thì chắc chắn sẽ thành công. Điều này trông chờ vào việc thể hiện năng lực điều hành của chính quyền!

Cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bà Trần Thị Lan Hương – Chuyên gia quản trị công cao cấp - WB tại Việt Nam: “Xác định ưu tiên”

Mục tiêu duy nhất các quốc gia đều mong muốn hướng đến là xây dựng một chính phủ điều hành hiệu quả, minh bạch, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, tạo ra sự phát triển xã hội, nâng cao năng lực. Dựa trên các dự án WB đang cung cấp nguồn vốn, tư vấn triển khai trên toàn thế giới thì lợi ích chính phủ thấy rất rõ. Không những giảm thời gian, công sức chi phí cho người dân mà còn mang lại hàng tỷ USD cho chính phủ.

Yếu tố nền tảng mà bất kỳ quốc gia nào gọi là chính phủ số hay quản trị hiện đại cũng cần, bao gồm hệ thống dữ liệu, định danh về con người, nhưng làm sao để chia sẻ, thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử? Nền tảng dữ liệu quan trọng của Quảng Nam là đất đai. Nguồn lực không vô hạn. Nếu không số hóa thì không thể biết tài sản gì, sử dụng ra sao. Nếu tất cả nằm trong dữ liệu (đất đai, nhân sự) thì không chỉ lãnh đạo chính quyền cần biết để hoạch định kế hoạch sử dụng, phù hợp với nhu cầu địa phương trong tương lai, kèm theo công trình nhà cửa, tài sản khác… Đó là những thông tin quan trọng giúp cho địa phương thu được rất nhiều nguồn thu. Từ góc độ chính quyền, tất cả dữ liệu quan trong này cần phải được đầu tư.

Song, khi có dữ liệu rồi thì làm thế nào để trao đổi, chia sẻ thông suốt giữa các cơ quan với nhau? Các địa phương phải đi đầu, tạo ra khung cơ cở hạ tầng để dữ liệu có thể được chia sẻ thông suốt. Một khi xây dựng chính quyền điện tử, vấn đề là làm thế nào để phân minh các hệ thống công nghệ đã đầu tư quá nhỏ lẻ. Đây là câu chuyện cần cân nhắc để có cách đi mới. Khi xây dựng chính quyền điện tử, Quảng Nam cũng nên cân nhắc chuyện tận dụng công nghệ mới nhất của công nghệ số như máy phân tích dữ liệu lớn. Sau đó xác định ưu tiên. Bởi nguồn lực đầu tư luôn luôn lớn hơn nhiều với khả năng tài chính của địa phương. Vấn đề là xác định ưu tiên và phân bổ nguồn lực tin cậy để các đầu tư trong tương lai sẽ được xây dựng trên nền móng đã đầu tư hôm nay.

Dễ thấy, Quảng Nam là địa bàn dễ bị tổn thương, rủi ro về thiên tai, nên kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử cần cân nhắc tới các yếu tố này để giảm thiểu những rủi ro, mất mát bởi các yếu tố khó dự đoán gây ra. WB nhìn thấy xu hướng chỉ đạo của Quảng Nam bắt đầu bằng việc hiện đại hóa quản trị thu thập dữ liệu, kiểm soát tạo lập dữ liệu và tăng giá trị cho người dùng dữ liệu được tích hợp từ nhiều nguồn. Một khi có nền tảng trao đổi dữ liệu thì chính quyền sẽ quản trị, điều hành sát với thực tế hơn, đáp ứng nhu cầu giúp Quảng Nam có lợi thế bứt phá trên bình diện quốc gia.

Chính quyền luôn có nhiệm kỳ. Lãnh đạo nào cũng muốn trong nhiệm kỳ mình phải có kết quả nhanh và hiệu quả. Đó là chuyện cần cân nhắc giữa nhanh, hiệu quả hay chậm nhưng tăng cường kiểm soát chất lượng, một khi quy trình thủ tục đầu tư, năng lực thừa hành có đáp ứng việc cập nhật tốc độ phát triển công nghệ. Một điều cần cân nhắc nữa là dựa vào nguồn lực nào, thuê dịch vụ hay tự vận hành lĩnh vực cụ thể, sẽ là bài toán riêng cho từng địa phương cụ thể. Không phải cái gì cũng thuê dịch vụ, cái gì cũng sở hữu.

WB ghi nhận lãnh đạo Quảng Nam có quyết tâm, nhưng quyết tâm hành động của địa phương mới là yếu tố tiên quyết để dò được con đường hiện đại hóa chính quyền, xây dựng chính quyền điện tử, sẵn sàng hợp tác với đối tác. Quảng Nam cần định vị ưu tiên, bứt phá gì trong lộ trình này. Khi có nguồn lực được phân bổ thì phải giám sát cái gì mang lại lợi ích tốt nhất cho địa phương để kịp thời điều chỉnh. WB sẵn sàng hợp tác về vốn, sẽ trao đổi chi tiết hơn về đề án thành phố thông minh, chính quyền điện tử và kinh tế số của Quảng Nam, ưu tiên phát triển địa phương trong vòng 5 năm tới.

TRỊNH DŨNG