Tuốt lá mai…
Đến rằm tháng Mười Một hằng năm, người trồng mai thường hối hả tuốt lá để đón một mùa hoa chào năm mới. Nói đến mai, ở miền Nam thường tuốt lá chậm hơn miền Trung do thời tiết ấm hơn. Anh bạn tôi có vài cây mai trong vườn, chỉ còn một hai tuần trước Tết mới tuốt lá. Miền Trung, mưa lạnh vào cuối năm việc tuốt lá mai cũng được phán đoán như tuốt lá đào và tùy vào nụ bông mai lớn nhỏ. Có năm lạnh buốt, người trồng mai kiểng phải chong đèn, dùng bao ny lông che mưa gió quanh cây. Có lẽ, mai trồng thẳng trong đất vườn, như ở nhà bà cô tôi, năm nào cũng nở đúng Tết là vì đất vườn ấm hơn đất trong chậu?
Tôi có vài chậu trồng mai Tết mấy năm nay, cứ thấp thỏm tính ngày tuốt lá. Đến giữa tháng Mười Một, chạy đến các vườn mai kiểng ngó chừng, hỏi han kinh nghiệm, so sánh búp nụ của mai mình mai người rồi mới về tuốt lá. Tuy vậy, cũng có năm không có cây nào nở đúng Tết! Vì búp chưa đủ lớn, vì thời tiết lạnh kéo dài. Ông bạn chủ vườn nói với tôi: “Ông để đến cận kề Tết mới lo đến cây mai thì bỏ. Chăm mai là chăm ngay từ khi ra Tết năm ngoái kìa. Chăm bằng cách bón phân vào lúc nào, trừ sâu ăn lá, diệt nấm ra sao để đón một cái Tết vui!”. Ông bạn bày tôi bón phân bò hoai trộn một ít bột bánh dầu xay nhỏ từ cuối tháng Giêng để thúc lá và bón nhiều bánh dầu hơn đầu tháng Tám, tháng Chín âm lịch để cây tích tụ năng lượng làm búp… Còn trừ sâu ăn lá là vào lúc các cành vừa ra lộc, rồi bấm đọt ra sao vào lúc nào? Bạn bày tôi nhiều kỹ năng khác như bấm hết cuộn bông sau Tết, cắt đi những cành thừa làm hư thế cây mai… “Chăm mai chẳng khác gì chăm con nít, tỉ mỷ lắm!”, ông bạn kết luận.
Thấy các nhà vườn lục tục tuốt lá mai, tôi cũng bắc ghế ngồi bên gốc mai cặm cụi tuốt! Vừa tuốt vừa ngẫm ngợi hơn ba trăm ngày đã trôi qua từ mùa hoa trước. Mỗi một cành mai, mỗi chiếc lá mai rồi mỗi một nụ búp đã to lên hơn hạt nếp vừa đóng vỏ trấu dưới tay mình là tích tụ của những lo toan, những mong chờ và hy vọng. Hy vọng một mùa hoa, hy vọng của bình yên. Người ta bảo hạnh phúc khi nhìn trăng lên, khi ngắm hoa nở là thứ hạnh phúc của tích góp cần lao là rất chí lý. Dáng cây mai đẹp được bè bạn trầm trồ khen ngợi ẩn trong đó một nhân sinh quan, một triết lý sống của chủ nhân nó chứ không phải là các dáng thế của mai bán ngoài chợ hoa Tết. Rồi nữa, nào là Hồng diệp mai, Hoàng mai, Thanh mai, mai ghép lai giống… mỗi một giống mai cho một loại bông khác nhau, năm cánh hay nhiều cánh, tùy vào sở thích của mỗi người. Tôi thì vẫn thích giống Thanh mai vẫn được trồng ở làng quê truyền thống và không chơi mai cắt cành cắm chậu. Tuy vậy, nhiều gia đình ở vùng quê cũng công khó tuốt lá mai, chăm sóc mai nhiều ngày tháng, đến Tết lại cắt những cành mai đẹp mang ra chợ kiếm tiền cho con ăn học hoặc tiêu dùng ngày đón năm mới, thật là tiếc. Cưa đi một cành mai đẹp có khác gì rứt bỏ đi một tình thâm. Nhưng cuộc sống nó vậy, cái khó khăn khiến ta phải hy sinh đi nhiều thứ… Vẻ đẹp hay niềm vui đôi khi ẩn trong nó những nỗi niềm là vậy!