Thắng đẹp rồi, cổ vũ cũng nên đẹp!
Hôm qua đội bóng của chúng ta đã thắng, mang về chiếc huy chương vàng Sea Games bao năm khao khát.
Câu chuyện này nói ra giữa không khí tưng bừng như này, có lẽ là lạc lõng. Nhưng biết làm sao, khi đây cũng là thời khắc nên nói đến nhất. Và, những mỹ từ ca tụng sung sướng đã bão hòa trên mọi ngõ ngách truyền thông rồi!
Cống hiến và chiến thắng, đó là vẻ đẹp của thể thao. Ở xứ mình bây giờ, hiếm có một thứ đẹp đẽ nào gây được hiệu ứng lan tràn mạnh mẽ, nhiều hưng phấn và đồng nhất như các trận đấu/trận thắng của các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Thắng trận bóng, rầm rập xuống đường, muôn người như một, niềm vui nở bừng bừng trên từng gương mặt. Cờ xí, kèn trống, hô vang, và phóng xe “đi bão”.
Sau mỗi trận “bão” như vậy, như một “quy trình” mặc định, lại có những dòng tin khô khan thống kê số người bị tai nạn giao thông – hậu quả trực tiếp của các màn ăn mừng. Một kết cục lẽ ra không nên lặp lại chút nào. Vậy mà nó vẫn lặp lại đều đều, như một phần không thể thiếu của niềm vui chiến thắng vậy.
Lại có kiểu người hâm mộ lạ lùng, cứ đội nhà thắng thì thôi, lỡ thua, thì có một lượng “không nhỏ chút nào” mệnh danh là cổ động viên bắt đầu đổ xô vào các tài khoản mạng xã hội của cầu thủ bị quy kết là “tội đồ”, hoặc của cầu thủ đối phương, hoặc của trọng tài… Và các “đương sự” xui xẻo ấy phải hứng chịu sự “bạo hành ngôn ngữ” khủng khiếp, với những chửi rủa vượt khỏi mọi chuẩn mực giao tiếp.
Vừa đây thôi, trang mạng của Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã chặn sự tương tác đến từ Việt Nam. Tăng tương tác trên mạng xã hội là một cách thu hút công chúng, quảng bá thương hiệu hiệu quả. Các câu lạc bộ bóng đá ở Châu Âu nơi Công Phượng, Văn Hậu đầu quân rất coi trọng và tận dụng tốt điều này. Thế nên thao tác chặn “người Việt Nam” của phía Thái Lan hẳn là một sự cân nhắc, trong đó họ phải lựa chọn khép cửa trước những đối tượng mà họ e sợ hay ngán ngẩm. Điều đó hẳn là gây tổn thương đến sự tự trọng Việt Nam chứ!
Có điều cũng khá là an ủi, rằng hình như xứ Việt mình không phải là nơi duy nhất tồn tại tình trạng máu me ăn thua đến “giận mất khôn” kiểu đó. Ngay sau trận chung kết hôm qua, tài khoản mạng xã hội của “người hùng” Văn Hậu cũng bị “tấn công” ồ ạt từ phía cổ động viên Indonesia, đến mức báo chí Indo phải kêu lên rằng đó là điều đáng xấu hổ.
Tuy nhiên, chỉ ra lỗi người không phải là cách để chứng minh mình tốt đẹp hơn. Chỉ có tự sửa mình. Bằng cách vui buồn với sự thấu hiểu. Hiểu được vẻ đẹp trên sân cỏ ấy là kết quả của hàng năm trời rèn tập, nó đánh đổi bằng mồ hôi, nỗ lực và cả máu của từng thành viên đội tuyển. Rằng trong mỗi trận đấu đều có thắng bại, và kết quả đó không làm tổn hại gì đến vẻ đẹp, ngoại trừ cách thức người ta thắng hay bại.
Hiểu và rồi trân trọng. Chỉ khi ấy, niềm vui mới không bị quá trớn thành tin tai nạn, và nỗi thất vọng không bị tuột xích thành nỗi cay cú, đánh mất cả tư cách và làm vấy bẩn cái danh xưng “cổ động viên”.
Là cổ động viên, là người hâm mộ vẻ đẹp của thể thao, người ta không thể xấu xí được. Phải không?