Tự bạch của người bệnh ung thư (tiếp theo)
Ung thư là bệnh của người nghèo; có lẽ ai cũng có đồng thu nhập trung bình cỡ tôi trở xuống. Nhìn thấy cái cách bà con gói đồng tiền, ta hiểu ra họ quý đồng tiền biết bao nhiêu. Tôi cũng vậy, cũng rất quý đồng tiền, cũng gói đồng tiền cẩn thận. Tôi để những đồng tiền trong bóp ở túi sau quần tây. Thi thoảng đưa tay ra sau kiểm tra nó. Tôi chỉ sợ mất tiền bởi mất tiền đồng nghĩa với mất thuốc hóa trị đưa vào cơ thể mình.
Trong những lần vào phòng hóa trị, tôi chỉ gặp hai người bạn có lẽ “đồng đẳng” với mình: Chị M.S., một người bạn cũ và chị T.N. - vợ một nhà báo đang đi lo chữa trị cho chồng. Hai người bạn ấy nhìn thấy tôi, có vẻ mừng lắm. Cái tâm lý gặp được người quen cũ trong chỗ gian nan này, hiểu ra được hoàn cảnh và nỗi khó khăn của nhau tự nhiên gắn kết chúng tôi lại gần nhau hơn là sống giữa cuộc sống sinh động và phức tạp ngoài kia. Những người giàu sang ở nhà lầu, đi xe hơi đời mới lỡ vướng ung thư không ai vào đây trị bệnh. Có lẽ họ đi nước ngoài để được chữa trị tốt hơn hoặc cũng có lẽ họ chữa trị riêng đâu đó tại nhà bởi không muốn vào những trung tâm như thế này để thấy mình tàn tạ quá.
Ung thư vô tình vạch ra một biên giới về sự bất đồng đẳng mà người ta phải gánh chịu dù không ai muốn vậy. Về vật chất cũng như về tinh thần, ung thư tạo ra cho cá nhân sự mất mát không tìm lại được, không thể phục hồi được. Một khuôn ngực xinh xắn của một thiếu nữ đôi mươi bị ung thư di căn phải cắt bỏ là một mất mát lớn của kiếp người. Đi kèm theo đó là cái mặc cảm khó mà vượt thoát qua được. Một căn bệnh kéo dài nhiều năm, người ta chết hay sống phụ thuộc vào đồng tiền có ít hay nhiều quả thật làm cho người bệnh mang nỗi đau khổ dài dằng dặc. Người ta không thể tìm thấy được cái gọi là hạnh phúc hoặc niềm lạc quan.
Trung tâm Ung bướu có nhiều phòng hóa trị; riêng phòng hóa trị tôi được chỉ định có đến mười ba chỗ ngồi. Phòng có một cô y tá thật giỏi, ăn nói rất có duyên, bao giờ cũng không đứng yên một chỗ. Bệnh nhân thì luôn luôn nhiều hơn số ghế ngồi; có khi mười sáu hoặc mười bảy người, ngồi thêm trên ghế nhỏ hay nằm trên băng ca. Cứ khi nào có một bệnh nhân sắp ra khỏi phòng sẽ có một hoặc hai người khác vào chờ ghế. Cô y tá thao tác rất thuần thục: Vô kim vào tĩnh mạch cho một người này, hòa thuốc vào bình dịch truyền cho một người khác; động viên một người đứng chờ để được làm thuốc lại an ủi một người về nhớ giữ gìn sức khỏe. Cô làm suốt từ 7 giờ 30 sáng đến chiều. Mỗi ca hóa trị cho một người bệnh thường kéo dài khoảng sáu tiếng đồng hồ nhưng tôi không thấy cô ăn cơm trưa...
Ung thư là một căn bệnh như bao nhiêu căn bệnh khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều căn bệnh khác nhưng nó có một đặc điểm khiến người ta dễ chịu: Nó cho người ta biết được biên độ những ngày mình còn được sống một cách tương đối. Thí dụ khi anh biết anh bị ung thư phổi phát tác thì anh có thể hình dung ra anh còn sống được sáu tháng hay mười hai tháng nữa. Anh cần biết để thu xếp lại đời mình; cám ơn những ân tình và xin lỗi về những điều đáng tiếc; tha thứ cho một người này và quên đi một chuyện đáng buồn kia. Nó điều chỉnh tâm hồn anh, cho phép anh sống những ngày tháng tươi đẹp theo cái đạo lý làm người. Bao nhiêu sân si, oán hờn, giận dỗi sẽ không làm phiền tâm trí anh nữa.
Tôi cũng đã và đang thu xếp đời mình trước lúc đi xa. Tôi muốn được vui, được cười, được khóc với mọi người, với bạn bè anh em thân ái. Tôi muốn kiểm đếm lại những việc làm của mình. Quyển sách này đang viết dở, không biết sẽ giao nhà xuất bản nào đây. Quyển truyện ngắn kia chưa kịp biên tập lại. Bài tình ca đã xong nhưng thôi khoan kẻ nhạc và đưa làm hòa âm thu thanh nữa vì nghe nó buồn quá. Sống trong tâm trạng của người bệnh ung thư, thấy mình sẽ giã từ cuộc đời là chuyện rất bình thường sẽ phải xảy ra nhưng ca khúc ấy mà được hòa âm và hát lên thì không chừng có “nhà phê bình” cho là bi quan, yếm thế, thậm chí là yếu đuối. Ngộ lắm, có những người không thích người khác sống thật.
Tuổi già tự nhiên có thêm những giấc mơ về trong giấc ngủ. Đêm kia, tôi nằm mơ thấy bãi cát trắng và rừng dương liễu xanh bên bờ sông Ly Ly trước nhà. Ngày thơ ấu, tôi thường ra đó tắm sông. Có đêm lại mơ thấy dòng sông Thu xẻ núi, xẻ đồi mà đi qua những làng quê, bãi mía, bờ lúa, nương dâu. Có đêm lại mơ thấy con đò xưa, con đò nan đã già đậu trên bến sông vắng lặng. Có đêm lại mơ thấy những cây sầu đông nở hoa; cái mùi thơm dịu nhẹ tháng 3 ấy như muốn giữ mùa xuân ở lại trên làng quê yêu dấu. Thức giấc lại bồi hồi không ngủ lại được; cứ nghĩ về cha, về mẹ, về tuổi thơ mà ứa nước mắt. Những giấc mơ đắp đổi, bù trừ cho những ngày sống thực. Những giấc mơ đẹp, êm đềm là quà tặng vô giá của cuộc đời dành cho người ung thư.
Ung thư làm cho những quãng đường vật lý dài ra, tưởng như vô tận. Đường về chỉ một giờ bay, đọc xong tờ báo và uống xong ly nước là đã thấy mình có mặt ở quê nhà yêu dấu. Thế nhưng bây giờ, tôi đi máy bay cũng không được nữa bởi nếu thiếu ô xy thở là con người ngất xỉu ngay. Bước lên mười ba bậc tam cấp đã ngất xỉu rồi, nói chi tìm một chỗ ngồi trên máy bay có đủ ô xy. Đem điều đó hỏi ý các vị bác sĩ, họ chỉ cười: “Thì ông đừng đi”.
Ung thư làm cho người gầy ốm nhanh; mới bốn tháng mà đã mất toi chín ký. Tuổi già không nỡ để quần tụt làm trò cười cho thiên hạ, đành phải đục lại lỗ dây nịt, may lại chiều rộng lưng quần. Những vết vô kim để truyền dịch cứ còn mãi trên da thịt hai cánh tay những vết tím bầm dù đã qua bốn tháng. Thầy thuốc giải thích đây là hiện tượng vỡ mạch máu dưới da, một chứng bình thường. Tóc trên đầu tôi đã rụng nhanh, rụng nhiều; phải đi hớt cho ngắn lại.
Tôi không có điều chi để hối hận. Bệnh ung thư có thể phát sinh, vướng phải khi người ta hút thuốc lá nhiều, ăn những thức ăn còn nhiều dư lượng thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật, thở hít không khí ô nhiễm, khói bụi của công nghệ hóa dầu... Tôi bảy mươi ba tuổi, sống nhiều năm nên có thể vướng một trong nhiều nguyên nhân đó là phải rồi; cớ sao cháu bé môi hồng mắt sáng mới mươi tuổi kia cũng bị ung thư như tôi, đời sống cũng sẽ bị tước đoạt như tôi?