Phát triển BHYT học sinh: Thăng Bình gặp khó

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 11/12/2019 14:14

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Thăng Bình kiến nghị để việc tuyên truyền bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh đạt hiệu quả cao cần sự phối hợp giữa các bên liên quan, việc trích lại kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh cần sớm được giải quyết rốt ráo...

So với mặt bằng toàn tỉnh, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT trên địa bàn huyện Thăng Bình thấp. Ảnh: BIÊN THỰC
So với mặt bằng toàn tỉnh, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT trên địa bàn huyện Thăng Bình thấp. Ảnh: BIÊN THỰC

Nhiều khó khăn

UBND huyện Thăng Bình và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện vừa tổ chức hội nghị đánh giá công tác BHYT học sinh để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai vấn đề này. Những kiến nghị, ý kiến của đại diện các trường nhận được sự quan tâm, nhất là vấn đề phối hợp trong tuyên truyền chính sách, việc trích lại kinh phí để nhà trường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 11 vừa qua, toàn huyện Thăng Bình có 19.425 học sinh tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 87%, tăng 11% so với năm học trước. Tuy nhiên, có đến 2.763 học sinh chưa tham gia BHYT.

Theo bà Trần Thị Thu Hồng - Giám đốc BHXH huyện Thăng Bình, năm học trước, toàn huyện tham gia BHYT học sinh chỉ đạt 75%, năm nay tăng lên 12%. Tuy nhiên con số này, so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn chưa đảm bảo đúng theo quy định và tinh thần chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác BHYT học sinh. Thời gian qua, BHXH huyện Thăng Bình đã chủ động trong công tác tuyên truyền, phân công ban giám đốc làm việc trực tiếp với hiệu trưởng các trường, đảng ủy và UBND các xã có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thấp.

Bà Trần Thị Thu Hồng cho rằng, nguyên nhân do một số phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHYT học sinh. Trước đây, huyện Thăng Bình có đến 9 xã thuộc đối tượng cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước đóng, nay chỉ còn 3 xã là Bình Đào, Bình Hải và Bình Nam. Vì vậy, người dân vẫn chưa chủ động dùng tiền cá nhân để mua BHYT. Học sinh tham gia BHYT là bắt buộc nhưng chưa có chế tài quy định cụ thể nên phải vận động là chính.

Tại Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Văn Trỗi (xã Bình Trị), năm học này có khoảng 80% học sinh tham gia BHYT. So với các trường cùng cấp, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi có tỷ lệ học sinh tham gia thấp. Lý giải cho vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Tấn Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, giá giữa BHYT học sinh và BHYT hộ gia đình chênh lệch nhau đến 165.000 đồng. Vì vậy có nhiều trường hợp người dân đã nộp tiền rồi vẫn đến lấy lại nộp ở ngoài.

Cần sớm khắc phục

Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, việc tuyên truyền BHYT học sinh được Trường TH Trần Phú (xã Bình Sa) đưa vào tiêu chí thi đua. Đối với giáo viên từng lớp vận động BHYT vượt chỉ tiêu được nhà trường tuyên dương, khen thưởng. Năm học này, trường có đến 90% học sinh tham gia BHYT.

Tuy nhiên theo thầy giáo Phan Quang Trung - Hiệu trưởng nhà trường, dù đạt kết quả khả quan nhưng cũng không thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu học sinh tham gia BHYT theo quy định. Bởi hiện nay việc tuyên truyền BHYT học sinh mới chỉ thực hiện từ phía nhà trường, trong khi chính quyền địa phương và các hội đoàn thể chưa vào cuộc. Ngoài ra, tại hội nghị này các trường cũng kiến nghị, việc trích lại 5% trong tổng số tiền học sinh tham gia BHYT để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, do thủ tục rườm rà nên các trường đều không nhận được khoản này.

Sau khi nghe kiến nghị của các trường, ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin, toàn tỉnh, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt trên 93%, trong khi huyện Thăng Bình chỉ có 87%. Tỷ lệ này là rất thấp. Đối với việc chênh lệch mức đóng BHYT theo hộ gia đình và BHYT học sinh do chính sách ban hành không cùng thời điểm. Vấn đề này BHXH tỉnh cũng đã thấy sự khập khiễng và đã đề nghị lên trên để xem xét, giải quyết trong thời gian đến. Đối với việc trích 5% cho các trường khám chữa bệnh ban đầu, các trường phải làm đầy đủ hồ sơ theo quy định. Bởi hiện tại BHXH tỉnh đang tồn nguồn này khoảng 4,7 tỷ đồng không thể chi được. Nếu các trường không thanh toán được thì đến cuối năm, số tiền trên sẽ nhập vào nguồn quỹ chung của Nhà nước.

Còn ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, mặc dù BHYT là bắt buộc, tuy nhiên cần phải tuyên truyền, vận động để phụ huynh hiểu và tham gia cho con em. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, kể cả sự vào cuộc của Mặt trận, đoàn thể để tiến đến BHYT toàn dân...

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC