Dấu xưa An Thái

PHÚ BÌNH 10/12/2019 10:57

Thôn An Thái (xã Bình An, huyện Thăng Bình) nằm quanh một ngọn đồi cùng tên. Thôn này có hai xóm ấp Văn An và Thăng An được thành lập từ rất xưa. Những thư tịch, kiến trúc và di tích cho chúng ta cái nhìn về một thời xa xưa.

Nhà thờ tộc Trần ở Thăng An - An Thái. ảnh: Phú Bình
Nhà thờ tộc Trần ở Thăng An - An Thái. ảnh: Phú Bình

Sách Phủ biên tạp lục soạn năm 1776 chưa ghi nhận hai địa danh này. Trong một văn khế mua bán ruộng lập vào niên hiệu Gia Long thứ 9 (1810) hiện lưu ở địa phương đã thấy ghi tên hai ấp trên nằm trong phạm vi tổng An Thái, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Sách Đồng Khánh địa dư chí (đầu thế kỷ 20) ghi tên xã Văn An, xã An Thái mà không thấy tên Thăng An. Trong bản đồ của người Pháp vẽ khoảng sau năm 1916 in lại trong sách “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam” do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh xuất bản năm 2010, có ghi chú cả hai tên xã Văn An và xã An Thái với tứ cận là các xã Địch An (phía nam); Tuân Dưỡng (phía tây); Kế Xuyên, Trà Long (phía tây bắc); Trà Sơn (phía bắc); Cổ Linh, Đông Tác (phía đông); Thạch Tân, Tứ Chánh An Hà (phía đông nam). Các xã thôn nói trên nay nằm trong địa bàn các xã Bình An, Bình Trung, Bình Nam của huyện Thăng Bình và các xã Tam Thăng, phường An Phú của TP.Tam Kỳ.

Miếu Dàng

Ở xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình xưa có các địa danh Gò Dàng, Lùm bà Dàng. Từ này hẳn là xuất phát từ âm Yàng (có nghĩa là ông trời) theo cách gọi của người Chăm. Ở xóm Thăng An, thôn An Thái có các địa danh Nỗng Dàng, Đồng Dàng, Rừng Dàng nằm quanh ngôi Miếu Dàng được người lớn tuổi ở địa phương nhớ là nơi có đặt nhiều tượng của người Chăm xưa. Ít người dám vào ngôi miếu nói trên vì sợ “ma Hời”.

Theo hồi ức của dân địa phương, khoảng  năm 1972, 1973 khi chính quyền tỉnh Quảng Tín lúc đương thời cho xây hai con đập ngăn nước Đồng Hòe và Cồn Thầy ở gần đó, các tượng này đã bị một nhóm người phụ trách xây đập đem xe đến chở đi đâu không rõ. Hiện nay, cây cối mọc um tùm, chưa thể tìm ra dấu vết của nền Miếu Dàng nói trên. Trong thống kê về các tấm bia Chăm được các nhà khảo cổ người Pháp tìm thấy có bia An Thái được phát hiện ở tổng An Thái huyện Lễ Dương (xã Bình An huyện Thăng Bình ngày nay) nhưng chẳng rõ đó có phải là tấm bia được tìm thấy ở Miếu Dàng hay không?

Một người dân An Thái bên giếng cổ Tây An.
Một người dân An Thái bên giếng cổ Tây An.

Giếng cổ

Ở vùng này khi chưa có nước thủy lợi có nhiều giếng cổ được cho là không hề cạn nước dù hạn hán đến mấy! Đến nay còn có các giếng có tên Giếng Đình, Giếng Xuân, Giếng Hồng. Đối diện nhà ông Phan Khâm ở tổ 7 thôn An Thái có một vòng thành bề thế bao quanh ngôi giếng rất sâu có đáy vuông miệng tròn có tên Tây An nằm ở rìa phía tây xóm Văn An. Ông Khâm năm nay tròn 100 tuổi, hãy còn minh mẫn, cho biết: “Vào năm 1939, khi tu tạo vòng thành quanh giếng này, lý trưởng Nguyễn Đào Thám - còn gọi là thầy Cửu Ba đã cho lập một tấm bia khắc một bảng yết thị bằng chữ Nho đề ra những quy định về việc bảo vệ công trình công cộng này.

Bảng yết thị được khắc trên tấm đá chữ nhật có nguyên văn như sau: “Yết thị: Nhất khoản: Cấm bất đắc ngưu lao nhập tỉnh nội tịnh tài động thành trụ; hủy hoại cam bồi. Nhất khoản: Cấm chư phụ huynh bất đắc phóng đồng ấu du hí tại tỉnh nội. Nhất khoản: Cấm phụ nhân bất đắc tương y quần mộc dục tại tỉnh nội. Nhất khoản: Cấm biên cận chư nhân vĩnh bất đắc tương hủ uế vật khí tại tỉnh biên. Bổn ấp đồng ký. 1939 - Tây An tỉnh”. Lời lẽ chữ Nho giản dị, thời xưa chắc ai cũng hiểu được! Quy định bảo vệ giếng Tây An ngoài việc không cho phụ nữ giặt giũ, không cho trẻ con đến chơi đùa, không cho ném vật ô uế… ở khuôn viên giếng còn một điều khoản buộc không được cho trâu bò làm lay động thành trụ, nếu để xảy ra hư hại, gia chủ phải bồi hoàn.

Nhà xưa và văn khế cũ

Ở An Thái có hai ngôi nhà xưa hiện còn đậm nét tiêu biểu của kiến trúc nhà rường Trung Bộ xưa, đó là nhà thờ họ Trần ở xóm Thăng An và nhà thờ họ Nguyễn Đào ở Văn An. Chủ nhân của hai ngôi nhà này hiện còn bảo quản khá nhiều văn bản chữ Nho, trong đó đa số là văn khế giao dịch ruộng đất.

Nhà thờ họ Trần có khu vườn, bố trí cây cảnh khá giống một vườn ở Huế. Nhà thờ và nhà ngang được nối với nhau bởi một nhà cầu (cầu: cầu nối giữa nhà trên với nhà dưới - NV). Bề ngang mặt tiền căn nhà cầu khá hẹp, kiến trúc theo kiểu nhà của Pháp hồi đầu thế kỷ 20. Nhà có hai tầng, thuận tiện để tránh lụt lội. Đặc biệt có cẩn hai chiếc đĩa sứ không cổ lắm nhưng thể hiện được nhiều chi tiết có liên quan đến nghề nghiệp của người dân vùng An Thái xưa. Một chiếc vẽ bốn hoạt động đánh cá, hái củi, dệt vải, chăn trâu bò phục vụ nghề nông (ngư, tiều, chức, mục). Nuôi tằm dệt vải là nghề chính của ấp Văn An xưa. Làm nông, đánh cá ở đầm và thu hoạch lâm sản ở núi là việc thường ngày của dân Thăng An xưa đã làm qua nhiều đời. Chiếc đĩa kia có câu đối: “Độc lập thiên quân thạch/ Song hoành bách xích tùng”. Hai câu này khái quát được phong cảnh vùng An Thái xưa: “Chễm chệ nghìn đá núi/ Dàn ngang trăm thức cây”.

Nhà thờ họ Nguyễn Đào là nơi ở của gia đình nhiều đời hành nghề thuốc gia truyền nổi tiếng chữa các bệnh phong, dị ứng, da liễu. Bên trong nhà thờ này thiết kế đúng bài bản kiến trúc nội thất của một nhà rường cao cấp. Đặc biệt, có cặp liễn đối tặng gia chủ Nguyễn Đào Cừ - một thầy thuốc nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20. Liễn này được một quan to đích thân viếng tặng thầy Cừ sau khi người nhà của ông quan này được chữa lành bệnh khó. Qua dòng lạc khoản “Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Nam Ngãi tổng đốc Hồ Đắc Trung tặng” có thể biết đó là ông quan đầu tỉnh Nam Ngãi lúc đương thời; về sau ông này làm đến chức thượng thư của triều Nguyễn. Nguyên văn câu đối như sau: “Hà tu sứ tướng hảo quan diệc năng cứu thế/ Tằng nghiệm đao khuê diệu dụng vô phụ truyền gia” (Chẳng cần làm tướng giỏi quan hay cũng có thể ra sức giúp đời/ Kinh nghiệm chữa bệnh thần diệu của thầy không phụ công sức của các lương y trong gia đình bao đời truyền lại).

Nhà thờ tiền hiền

Nhà thờ những người có công mở đất lập ấp Thăng An được tu tạo rất bề thế vào năm Ất Mùi 2015. Trụ chính hai bên cổng có câu đối: “Tốn hướng dục linh quang, vũ thuận phong niên trường bách thế/ Càn sơn chung tú khí, địa linh nhân kiệt vĩnh thiên thu”. Dịch nghĩa: “Mặt nhà thờ ngoảnh về hướng Tốn: chan chứa ánh dương; (cầu cho) mưa thuận gió hòa, năm nào cũng được mùa, (dân làng) hạnh phúc lâu dài/ Lưng nhà thờ xây về hướng Càn: nơi có núi tụ khí thiêng; (mong sao) vùng đất tươi đẹp này được bền vững nghìn năm”. Do chưa gặp được người thủ từ, người viết chưa thể xin xem các tư liệu được lưu bên trong.

Tại nhà thờ tiền hiền ấp Văn An, ông “trưởng làng” Nguyễn Đây, sinh năm 1964, ở tổ 7 thôn An Thái mở khóa cửa, thắp hương, cho xem các văn bản chữ Nho trong hòm hương phổ. Đó là tập văn bản của tiền nhân ấp Văn An kể về công tích các bậc tiền hiền, hậu hiền, hậu hậu hiền của làng. Bản văn ấy kê ra: Tiền hiền Lê Đình Quý mộ táng tại Đồng Dương xứ; Tiền hiền Nguyễn Viết Rộng mộ táng tại Câu Nhi xứ; Hậu hiền Đinh Văn Điện mộ táng tại Cha Vồn xứ; Hậu hiền Nguyễn Văn Thông mộ táng tại Cha Vồn xứ; Hậu hiền Nguyễn Văn Đức mộ táng tại Tầm Vân xứ; Hậu hậu hiền Nguyễn Văn Miên mộ táng tại Tầm Vân xứ. Ngoài ra bản “hương phổ tự” này còn ghi thêm một câu như sau: “Quân công, Hương công các Phái liệt vị chư anh linh”. Quân công là công mở đất, Hương công là công lập làng. Điều đó chứng tỏ người xưa An Thái ghi nhận sự đóng góp công sức của các tộc phái đến sau quan trọng không kém công sức mở đất lập làng của các tộc tiền hiền đến trước.

PHÚ BÌNH