Bài toán cân bằng lợi ích

C.B.L 10/12/2019 10:40

UBND TP.Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Công ty Thủy điện Sông Bung và Công ty CP Thủy điện A Vương từ nay đến hết mùa lũ năm 2019 (ngày 15.12), hạn chế đến mức tối đa việc phát điện, ưu tiên tích nước trên hồ về mực nước dâng bình thường để đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn năm 2020.

Trong khi tuần trước, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 thông báo sản xuất đạt mốc 5 tỷ kWh điện sau 9 năm hòa lưới điện quốc gia. Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 là một trong những nhà máy trên hệ thống bậc thang sông Vu Gia - Thu Bồn. Dấu mốc đó được doanh nghiệp là Công ty Thủy điện Sông Tranh cho là sự kiện đáng mừng.

Việc xung đột nguồn nước, không phải bây giờ mới xảy ra, nó âm ỉ và thậm chí có lúc lên đỉnh điểm khi hạn mặn xâm nhập, người dân ở TP.Đà Nẵng không có nước dùng trong một số thời điểm trở thành bài ca muôn thuở.

Doanh nghiệp thì muốn tối ưu hóa lợi ích phát điện, trong khi điều này khó hài hòa với lợi ích của người dân vùng hạ du. Khi lượng nước trong hồ ở mức chết hoặc quá trình tích nước không đảm bảo do yếu tố thời tiết, thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên lợi ích của mình hay lợi ích của người dân? Sẽ là không thực tế, nếu chỉ nói chung chung về đạo đức kinh doanh, nên chắc chắn phải có ràng buộc về pháp lý cũng như những chứng cứ đưa ra từ chính quyền về các con số tích nước đi đôi con số điện sản xuất ra. Việc tham gia điều tiết giảm lũ cho hạ du theo các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định 1537/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng được tuân thủ đến đâu, cũng cần phải xem lại và có con số phân tích chính xác. Điều này sẽ đảm bảo quá trình giám sát doanh nghiệp.

Thử tham khảo trong diễn biến có liên quan về sản lượng điện. Một bản tin trên VTV cho hay, tại Ninh Thuận và Bình Thuận, số lượng nhà máy điện mặt trời trong năm 2019 tăng đột biến khiến nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải, các nhà máy điện năng lượng tái tạo không thể phát hết lên lưới lượng điện sản xuất ra. Thực tế nhiều dự án ở Ninh Thuận, Bình Thuận sản xuất 10 nhưng chỉ bán được 7 - 8. Điều này, đã không được bộ ngành liên quan tính toán khi quy hoạch cũng như dự báo về sự phát triển của các nhà máy điện mặt trời.

Câu chuyện thừa này có thể đem so chiếu với chuyện thiếu ở Quảng Nam. Một câu hỏi đặt ra, liệu có thể giải quyết xung đột nguồn nước giữa doanh nghiệp với chính quyền và người dân trong quá trình vận hành thủy điện bằng việc tính toán đầu tư điện mặt trời trên diện tích hồ thủy điện? Nước trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn là tài sản của người dân hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng, nên giải quyết bài toán xung đột lợi ích bằng bài toán hiệu quả năng lượng là không nên chậm trễ. Có như vậy mới không… xuân thu nhị kỳ đến hẹn lại lên thì các bên quay lại đổ lỗi cho nhau. Và chính quyền lại phải “nhờ cậy” doanh nghiệp trong mùa thiếu nước; mà với tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến khôn lường như hiện thấy, hẳn những đề nghị từ phía chính quyền sẽ còn dài dài.

C.B.L