Xu hướng nông nghiệp thông minh tại châu Á

NAM VIỆT 08/12/2019 06:36

(QNO) - Nền nông nghiệp châu Á đang nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ nhằm thay thế lực lượng lao động giá rẻ đang khan hiếm; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Mùa thu hoạch trên cánh đồng lúa hữu cơ tại Thái Lan. Ảnh: depositphotos
Mùa thu hoạch trên cánh đồng lúa hữu cơ tại Thái Lan. Ảnh: depositphotos

Theo trang tin Nikkei Asian Review (Nhật Bản), mức lương công nhân trong nhiều ngành nghề như sản xuất công nghiệp và dịch vụ tại khu vực châu Á đang tăng, thu hút nhiều nhân công. Trong khi các ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là tại khu vực Đông Nam Á.

Trước thực trạng này, nhiều trang trại nông nghiệp đang ứng dụng máy bay không người lái (drone) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng năng suất vụ mùa; đồng thời giảm chi phí sản xuất, trong đó bao gồm chi phí thuê lao động. Sự ra đời của những hồ nuôi tôm tự làm sạch và trang trại nuôi heo do AI điều hành là những sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm.

Tháng 9 vừa qua, Charoen Pokphank Foods - công ty lương thực của Thái Lan hoàn thành xây dựng một trang trại nuôi heo ứng dụng công nghệ AI tại tỉnh Nakhon Pathom. Theo đó, những người giám sát trang trại sẽ nhận được cảnh báo từ LINE - ứng dụng tin nhắn và gọi điện miễn phí cho điện thoại động về sự đột nhập của những người không có phận sự.

Điều này sẽ kịp thời ngăn chặn những người ngoài có thể mang theo vi khuẩn dưới các đế giày dép vào khu vực chăn nuôi, cũng như có thể giúp truy tìm được nguồn gốc lây lan bệnh cho vật nuôi nhằm tránh được dịch bệnh như tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, AI sẽ theo dõi bất kỳ vật nuôi nào ăn hoặc vận động ít để kịp thời tìm cách xử lý. Chi phí lặp đặt công nghệ này cho trang trại khoảng 300.000 baht (9.900 USD), trên diện tích chăn nuôi 50m2.

Một trang trại nuôi heo ứng dụng công nghệ AI tại châu Á. Ảnh: Nikkei
Một trang trại nuôi heo ứng dụng công nghệ AI tại châu Á. Ảnh: Nikkei

Thái Lan - một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mới đây thông báo sẽ khởi động một giải pháp truy xuất nguồn gốc qua ứng dụng blockchain (chuỗi khối) cho các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu thí điểm vào năm 2020, trước tiên là áp dụng cho sản phẩm gạo hữu cơ, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang xây dựng các bể nuôi tôm lót bạt bằng chất liệu nhựa vinyl. Với thiết kế này, nước xoáy xung quanh bể để chất thải tập trung về đáy bể, từ đó dễ dàng thoát ra ngoài. Nhờ vậy mà nguồn nước trong hồ luôn luôn trong sạch, giúp ngăn ngừa bệnh lây lan cho giống nuôi.

Ngoài ra, Minh Phú sử dụng công nghệ AI để tính toán lượng thức ăn tối ưu dựa trên điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của tôm. Thiết kế mới này dự kiến sẽ mang lại năng suất gấp 3 lần so với các phương pháp nuôi tôm truyền thống. Minh Phú hiện xuất khẩu khoảng 65.000 tấn tôm/năm đến 50 quốc gia.

Nông nghiệp kỹ thuật số cũng đang lan rộng tại Trung Quốc. Nhà chế tạo drone trong nông nghiệp - XAG phát triển các loại máy móc tự động có khả năng tối ưu hóa việc phun thuốc trừ sâu và phân bón cho cây trồng, dựa vào dự liệu phân tích điều kiện địa lý và thời tiết. XAG có thể sử dụng AI để quyết định thời điểm tốt nhất cho thu hoạch vụ mùa.

Cũng theo báo Nikkei, châu Á là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cung cấp gần một nửa lượng thịt heo cho thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan cung ứng 1/5 lượng thịt gà trên toàn cầu và hơn 1/2 lượng tôm xuất khẩu cũng đến từ châu Á.

NAM VIỆT