65 năm nặng lòng với gốm

NHƯ TRANG 04/12/2019 10:42

(QNO) - Nặng lòng với gốm, cụ ông Nguyễn Viết Biết (83 tuổi, phường Thanh Hà, TP.Hội An) rong ruổi trên hành trình chở gốm suốt 65 năm.

Cụ ông Nguyễn Viết Biết (83 tuổi, phường Thanh Hà, TP.Hội An) kể lại hành trình 65 năm đèo gốm mưu sinh. Ảnh: N.TRANG
Cụ ông Nguyễn Viết Biết (83 tuổi, phường Thanh Hà, TP.Hội An) kể lại hành trình 65 năm đèo gốm mưu sinh. Ảnh: N.TRANG

Tìm lối đi cho gốm

Là người đại diện cho đời thứ 4 kế nghiệp gốm của tổ tiên truyền lại, cụ Nguyễn Viết Biết không chỉ học cách nhào nặn từng thớ đất, nung qua lửa để cho ra hình hài sản phẩm nồi, niêu, chảo… mà hơn hết, cụ còn tìm lối đi cho gốm quê hương Thanh Hà có mặt trên khắp mảnh đất hình chữ S.

Từ thuở thiếu thời, cụ đã theo chân cha mẹ đi ghe tìm đất sét ven sông, tập tành nhào nặn và nung lửa với đủ loại sản phẩm. Lớn lên, cụ cùng anh em, cô bác trong dòng họ gầy dựng thương hiệu gốm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Hội An lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khi nhận thấy cung vượt quá cầu, cụ tìm lối đi cho gốm bằng cách liên hệ khách sỉ ở khắp các tỉnh, thành để bỏ hàng.

Kể đến đây, đôi mắt cụ ông như sáng lên, giọng nói hào sảng: “Thời kỳ chiến tranh, tôi đi hết tỉnh này đến tỉnh nọ bằng ghe, thuyền. Có khi chất gốm đầy thuyền bỏ sỉ cho khách tận Hải Phòng, sau khi giao xong thì lại về theo đường sông mà kiếm từng thớ đất sét. Nhọc nhằn trăm bề, nhưng bước đường tìm lối ra rất vui và hạnh phúc!”.

Hồi ấy, hầu hết người dân đều nấu nướng bằng đồ gốm có giá từ 1 đồng đến vài chục đồng. Tuy giá thấp, nhưng ngày nào cụ cũng bán vài trăm sản phẩm, khách hàng ngoài Bắc rất thích sản phẩm gốm Thanh Hà mà cụ cất công mang đi giới thiệu. Cụ kể: “Cái gì nấu từ gốm đất sét quê mình cũng ngon cũng thơm, thành ra khách nào dùng qua một lần sẽ nhớ mãi. Làm sản phẩm chất lượng và giới thiệu ra các vùng miền, chắc chắn nghề sẽ cưu mang mình”.

Theo kinh nghiệm dày dặn của cụ ông, cách chào hàng đối với khách lạ phải thực sự ấn tượng, để họ tin vào chất lượng của sản phẩm gốm Thanh Hà. Hoặc có khi ông còn mang theo túi muối hột, lấy nồi niêu rang tại chợ cho khách hàng xem tận mắt nồi rang muối không cháy, độ chín vừa và giữ nguyên màu trắng tinh khiết. Còn hũ ướp cá làm mắm được nung chín với lửa to, dày và chắc chắn hơn gốm thường, có như thế mắm cá mới thơm và không bị hư… Nhờ cách làm ấn tượng và nhiệt tâm ấy, cụ Biết sớm tìm đầu ra cho sản phẩm gốm không bị tồn hàng, người làm gốm cũng có của ăn của để.

Hành trình rong ruổi 65 năm

Có khách hàng trên khắp mọi miền đất nước, cụ Nguyễn Viết Biết động viên gia đình, dòng họ mở thêm xưởng gốm để làm thành phẩm, riêng cụ phụ trách khâu chở gốm đi bỏ sỉ. Mặc bom đạn, khói lửa chiến tranh, cụ không ngần ngại vào Nam ra Bắc theo từng dòng chảy của sông đưa thuyền gốm đi xa, xa nhất là tỉnh Hải Phòng. Đến khi đất nước giải phóng, cụ lại dùng chiếc xe đạp chất nặng 70 - 80kg gốm rồi đèo đi mỗi ngày tầm 100 cây số bán cho khách hàng ở Đà Nẵng, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn…

Điểm dừng xe của cụ ông bao giờ cũng ở nẻo chợ hoặc các quầy bán tạp hóa nhỏ lẻ trên mỗi tuyến đường. Ngày mưa cũng như ngày nắng, cụ không quản khổ cực, mang hành trang gốm đi khắp muôn nơi. Cụ bảo: “Đó là cách làm vui lòng mình. Dễ chi theo được nghề mình quý, không chỉ thỏa chí đam mê, mà còn kiếm thu nhập nuôi 9 đứa con khôn lớn nên người”.

Vợ chồng cụ Biết mở quầy gốm tại nhà và tại chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) bán cho đỡ nhớ nghề. Ảnh: N.TRANG
Vợ chồng cụ Biết mở quầy gốm tại nhà và tại chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) bán cho đỡ nhớ nghề. Ảnh: N.TRANG

Trong tất thảy những ký ức 65 năm qua rong ruổi đèo gốm bán mưu sinh, cụ Biết nhớ rõ mồn một từng đường đi lối về. Gương mặt người khách hay quầy bán của họ trưng gốm ra sao, cách chọn gốm và gu yêu thích của khách thế nào… cụ đều hiểu và nhớ kỹ. Và thậm chí, những lần chở gốm bị va quẹt xe, bị ướt bởi qua đoạn đường nước lũ, bao nhiêu thử thách đó càng làm cụ thêm yêu nghề, quyết bám lấy nghề mưu sinh.

Nhất là lần đạp xe bị vấp “ổ gà” khi rẽ hướng từ trên cầu Nguyễn Văn Trỗi (TP.Đà Nẵng). Cú ngã khiến cả người và gốm lăn ra, gốm bể văng đầy đường, còn cụ mắc kẹt trong bụi gai lưỡi long. Nhắc đến đây, nụ cười an nhiên, phúc hậu liền hiện trên gương cụ. “Đường lắm dốc lắm ụ, tránh sao lúc tay lái mình không vững giữa cái nắng chang chang. May sao vận tốc xe đạp vốn chậm, giúp mình đỡ rủi ro. Nhưng nhờ lần té vào bụi gai, nhiều người biết thêm gốm của tôi” - cụ Biết kể.

Ngày nay, tuy nhu cầu sử dụng gốm không còn nhiều như trước, hơn nữa sức khỏe có phần yếu đi, nhưng cụ Biết vẫn giữ thói quen đi bán gốm. Cụ cùng vợ là cụ bà Phạm Thị Tới (80 tuổi) mở quầy gốm tại nhà và tại chợ Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) bán cho đỡ nhớ nghề. Còn hành trình đèo gốm mưu sinh gần 100 cây số mỗi ngày, cụ Biết truyền lại cho con rể là ông Trần Vân và được người con rể duy trì bỏ hàng cho khách sỉ suốt bao nhiêu năm nay.

Nói về nghề và nghiệp đèo gốm gắn bó với cả đời mình, cụ Biết quả quyết: “Hành trình của tôi sẽ không bao giờ dừng lại. Chừng nào còn người nhào nặn cục đất sông quê mình, nung qua lửa thành gốm, thì ngày đó vòng xe đèo gốm sẽ còn lăn bánh. Cái tên làng gốm Thanh Hà sẽ vang xa”.

NHƯ TRANG