Cử tri quan tâm chính sách và vấn đề dân sinh

DIỄM LỆ 03/12/2019 11:07

Ngày 2.12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội; Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri huyện Tiên Phước và huyện Hiệp Đức. Cử tri hai địa phương đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách và dân sinh.

Đông đảo cử tri Hiệp Đức tham gia buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: D.L
Đông đảo cử tri Hiệp Đức tham gia buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: D.L

Cần đối thoại giải quyết chính sách

Tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Tiên Phước, nhiều cử tri kiến nghị liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho các nhóm đối tượng chính sách và xã hội. Cử tri Phan Đình Tú (xã Tiên Cẩm) nói: “Gia đình tôi có ông nội và chú hy sinh tại Đồng Trại khi chiến đấu chống Quốc dân đảng tàn sát dân ta. Nhưng hồ sơ của ông và chú tôi vẫn chưa được giải quyết chế độ liệt sĩ. Tôi mong muốn cấp trên có câu trả lời dứt khoát, được hay không được để gia đình biết”.

Cùng chung lý do đến với buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Phước (xã Tiên Cẩm) nêu: “Gia đình tôi có người thân là ông Lê Nơm, tham gia kháng chiến đến tháng 11.1955 bị Quốc dân đảng bắt chôn sống tại hầm heo Đồng Trại. Tên của ông được ghi danh tại Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ Đồng Trại, nhưng đến nay ông chưa được Nhà nước công nhân liệt sĩ. Hồ sơ của ông đã được gửi đến Sở LĐ-TB&XH, Bộ LĐ-TB&XH cũng có văn bản trả lời nhưng văn bản nói rất chung chung, không nói cụ thể là có được hay không được để gia đình biết”.

Còn ông Lê Văn Triều (xã Tiên Cẩm) băn khoăn: “Trong kháng chiến chống Mỹ, thanh niên xung phong là lực lượng thứ 2 góp phần hết sức quan trọng trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là người có công. Trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng chưa có quy định hỗ trợ kinh phí tu bổ, sửa chữa mộ cho Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Nhiều cử tri các xã Tiên Cẩm, Tiên Sơn, Tiên Hà cho rằng hiện nay có nhiều hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ liệt sĩ nhưng vẫn chưa được giải quyết, phần nhiều là những người chiến đấu và bị chôn sống ở các hầm heo Đồng Trại, Gò Vàng. Việc giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học quy định quá khó khăn trong giám định, nhiều người thực sự bị nhiễm chất độc hóa học chưa được giải quyết chế độ.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, đại biểu Phan Việt Cường cho biết, Trung ương, tỉnh đang cố gắng để bà con ở vùng căn cứ cách mạng có đời sống khá hơn, đặc biệt là những người có công, người yếu thế trong xã hội.

“Ý kiến bà con liên quan đến chế độ chính sách nhiều năm chưa giải quyết được, tôi đề nghị huyện tổ chức đối thoại với nhân dân hoặc phân công xuống cụm xã đối thoại chuyên đề chính sách thương binh, xã hội. Cần rà soát tất cả hồ sơ tồn đọng, trường hợp nào chưa đủ hồ sơ đề nghị thân nhân, đối tượng bổ sung, trường hợp nào giải quyết được thì trả lời cho nhân dân biết, không giải quyết được cũng trả lời dứt điểm. Trung ương đã có chỉ thị phải tập trung giải quyết chế độ cho đối tượng tham gia cách mạng đến cuối 2020 phải xong. Tôi sẽ chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH ngồi lại với địa phương để giải quyết cụ thể, tuyệt đối không được lợi dụng chính sách” - đại biểu Phan Việt Cường nói.

Kiến nghị vấn đề dân sinh

Tại huyện Hiệp Đức, nhiều ý kiến cử tri kiến nghị cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông. Tuyến Quốc lộ 14E đi ngang huyện Hiệp Đức còn quá chật hẹp, lưu lượng xe ngày càng đông, nhất là xe chở keo của người dân đến các nhà máy. Việc lưu thông trên tuyến đường này rất khó khăn, gây nguy hiểm cho người dân nên rất cần được đầu tư mở rộng. Trên địa bàn huyện miền núi như Hiệp Đức vẫn còn nhiều cây cầu lớn, nhỏ cần được đầu tư xây dựng, để người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ.

Ông Huỳnh Văn Sơn (xã Quế Thọ) nói: “Thực tế vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn chưa nhận được sự trợ giúp, nhiều thôn xóm ở xa như người dân xóm tôi đường không có mà đi. Nhà tôi sống ở bên kia sông, mùa nắng còn đi được, mùa mưa nước lớn không đi được. Chúng tôi đã kiến nghị bao nhiêu năm làm cây cầu, nhưng vẫn chưa có cầu cho dân đi”.

Ông Nguyễn Văn Chiến (thị trấn Tân An) chia sẻ: “Ngành y tế hiện nay quy định đấu thầu về thuốc thế nào mà để xảy ra tình trạng thiếu thuốc khiến người dân đi khám bệnh không có thuốc. Người dân đi khám thẻ bảo hiểm y tế ở trạm y tế tuyến xã thì không có thuốc, nên phải đi lên tuyến huyện, tỉnh để khám, không thể trách người dân sao cứ đi lên tuyến trên được. Các cấp cần giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc này”.

Ông Chiến cũng kiến nghị cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi những công ty, xí nghiệp, cụm công nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động miền núi, từ đó mới phát triển đời sống người dân miền núi, giảm áp lực cho đồng bằng khi lao động được giải quyết việc làm tại chỗ, không phải đi xa.

Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Nguyễn Đức Hải ghi nhận những ý kiến của cử tri, đồng thời khẳng định Nhà nước đã có nhiều chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó có nguồn thu và có điều kiện chăm lo cho đời sống người dân. Kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, vấn đề nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ thì đoàn sẽ tổng hợp kiến nghị.

DIỄM LỆ