Tuyên truyền bảo hiểm tự nguyện ở Thăng Bình: Bám sát cơ sở
Để bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trở thành chỗ dựa vững chắc cho nông dân và lao động tự do khi đến tuổi về hưu, thời gian qua, BHXH huyện Thăng Bình đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thông tin những chính sách cần thiết nhằm thu hút người dân tham gia.
Mới đây tại xã Bình Trị, BHXH huyện Thăng Bình phối hợp với UBND xã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện cho 50 hội viên phụ nữ toàn xã. Tại đây, BHXH huyện đã tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối tượng, quyền lợi, mức đóng BHXH tự nguyện. Đặc biệt, BHXH huyện Thăng Bình đã nhấn mạnh về mức hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn được áp dụng từ ngày 1.1.2018 vừa qua. Ngay sau khi tuyên truyền, tại xã Bình Trị đã có 2 trường hợp đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Nguyễn Thị Thao (thôn Vinh Huy, xã Bình Trị) là một trong 2 trường hợp đã tham gia BHXH tự nguyện lần này với mức đóng 400 nghìn đồng/tháng. Bà Thao là nội trợ trong gia đình. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều trường hợp đã tham gia BHXH tự nguyện kết hợp với nhiều câu hỏi thắc mắc tại buổi tuyên truyền của BHXH huyện, bà Thao tự nguyện đăng ký.
“Lúc trước có rất nhiều công ty bảo hiểm trên thị trường mời tôi tham gia các gói bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên qua so sánh, đối chiếu, tôi nhận thấy BHXH tự nguyện vẫn là lựa chọn hàng đầu. Có rất nhiều mức đóng, phù hợp với thu nhập của những người nội trợ như chúng tôi. Dù thời gian đóng kéo dài đến 20 năm, nhiều hơn vài năm so với bảo hiểm thương mại khác, nhưng BHXH tự nguyện vẫn là chỗ dựa vững chắc cho những lao động tự do. Bây giờ, cả những người nội trợ như chúng tôi khi đã lớn tuổi cũng được nhận lương hưu” - bà Thao chia sẻ.
Bà Trần Thị Thu Hồng - Giám đốc BHXH huyện Thăng Bình cho hay, mặc dù bằng nhiều cách thức tuyên truyền, vận động nhưng người dân trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn ít. Tính đến cuối tháng 10 năm nay, BHXH huyện chỉ đạt gần 60% kế hoạch BHXH tỉnh giao về công tác phát triển BHXH tự nguyện.
Nguyên nhân do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mức thu nhập thấp, không ổn định và hiểu biết về chính sách BHXH tự nguyện của nhiều người dân chưa đầy đủ. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là mức hỗ trợ đóng của Nhà nước hiện còn thấp, thời gian tham gia BHXH tự nguyện dài. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn, trong khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) nhưng chính sách BHXH tự nguyện chỉ thực hiện 2 chế độ gồm hưu trí và tử tuất. Mặt khác, trên thị trường có nhiều loại hình bảo hiểm nhân thọ với nhiều gói sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng. Việc nắm bắt, tiếp cận các đối tượng tiềm năng để thông tin về chính sách, vận động họ còn chưa đầy đủ.
“Thời gian đến BHXH huyện tiếp tục phối hợp với Bưu điện huyện, đại lý xã tổ chức các đợt tuyên truyền, ra quân bán lẻ, tư vấn trực tiếp cho đối tượng tại các xã. Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho từng đại lý xã, thị trấn và từng viên chức của cơ quan BHXH huyện. Và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao việc tổ chức thực hiện chế độ BHXH tự nguyện, tăng cường phục vụ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện” - bà Hồng nói.