Vàng ơi...
Hai ngày cuối tuần trôi qua trong râm ran trở lại chuyện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh). Chuyện này, đã dằng dai từ 4 năm trước. Chỉ là, nghe bà con bàn tán tin HĐND tỉnh thông qua việc chi ngân sách tỉnh 12,6 tỷ đồng (trong tổng số 19,1 tỷ đồng) để đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, mà cay đắng.
Năm trước, một lãnh đạo tỉnh từng kiên quyết đề đạt ý kiến tập thể, rằng Bộ Tài nguyên và môi trường phải lấy nguồn kinh phí của bộ cho đề án đóng cửa mỏ vàng, như một cách để bớt đi những “hậu quả nhận lãnh” của Quảng Nam đối với hệ lụy từ mỏ vàng. Nhưng rốt cuộc ý kiến đó không được chấp thuận. (Vả chăng, nếu lấy kinh phí từ bộ, thì cũng là tiền thuế của dân cơ mà). Cấp phép cho khai thác là Bộ Tài nguyên và môi trường, nhưng không phải địa phương vô can. Đó là những chuyện đã rồi. Vàng (tài nguyên) bị lấy đi, ô nhiễm môi trường và bất an xã hội ở lại, nợ thuế phải xóa vì không có cách gì thu được. Vấn đề bây giờ là, chừng ấy tiền của địa phương tiếp tục bỏ ra, đóng cửa được mỏ vàng rồi, thì đất đai liệu được hoàn thổ, cây cối trồng lên xanh, môi trường rừng được phục hồi… hay không và bao lâu sẽ trở lại như xưa?
Những lán trại xơ xác ở các bãi vàng, bất chợt khiến tôi liên tưởng đến một chuyện không ăn nhập lắm với vàng: đó là những người có điều kiện sống thấp trong căn nhà tồi tàn.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến ngày 1.4.2019 Quảng Nam có 422.950 hộ. Trong đó vẫn còn bộ phận không nhỏ hộ dân cư đang sống trong căn nhà thiếu kiên cố/đơn sơ hoặc nhà có diện tích bình quân dưới 6m2/người. Con số này là 3.670 hộ, trong đó khu vực thành thị có 900 hộ, nông thôn có 2.770 hộ, phần lớn hộ dân sinh sống ở các huyện miền núi và nhà trọ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong những năm tiếp theo, cần có sự quan tâm thích đáng đến các đối tượng cần này.
Theo Cục thống kê tỉnh, phân loại nhà ở được thực hiện dựa trên chất lượng vật liệu của 3 bộ phận cấu tạo chính (kết cấu chính) của một ngôi nhà gồm: cột (trụ, tường chịu lực), mái, tường. Nhà kiên cố và bán kiên cố là nhà có từ 2 kết cấu chính trở lên được làm bằng vật liệu bền chắc. Nhà thiếu kiên cố và đơn sơ là nhà chỉ có một trong ba kết cấu chính hoặc không có kết cấu chính nào được làm bằng vật liệu bền chắc. Đó là về… lý thuyết thôi. Chúng ta, ai cũng dễ hình dung cảnh sống trong những căn nhà tạm bợ hay “hộp diêm” chỉ đủ kê vật dụng thiết yếu nhất cho một hộ gia đình trong phòng trọ chật hẹp hoặc khốn khó hơn nữa, là ở xó chợ đầu đường…
12,6 tỷ đồng đó, chắc chắn chưa đủ thiếu vào đâu để có thể hỗ trợ cho tất cả 3.670 hộ kể trên có được một căn nhà đúng nghĩa. Nhưng, thêm một bữa cơm đầy đủ cá thịt, thêm một vài gạch đầu dòng cho tiêu chí chất lượng cuộc sống của người nghèo, người thu nhập thấp được nâng lên, thì cũng đồng nghĩa cách quản lý, trách nhiệm của điều gọi là “cả hệ thống chính trị” phải làm sao trong tương lai không - bao - giờ để xảy ra sai lầm tương tự. Đừng để dân gian bỉ bôi, có đưa cả sa mạc rồi vài bữa cũng nhập khẩu cát vì thiếu, vì lỗ…