Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đối thoại với công dân: Tạo đồng thuận triển khai các dự án vùng đông

VIỆT NGUYỄN 02/12/2019 10:42

Ngày 30.11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường có buổi đối thoại trực tiếp với người dân Thăng Bình xung quanh các dự án triển khai ở vùng đông nam. Buổi đối thoại đã thành công khi người dân được trao đổi tâm tư, nguyện vọng, nhận được những giải đáp, chia sẻ từ người đứng đầu của tỉnh, qua đó tạo đồng thuận lớn để triển khai các dự án trọng điểm trong thời gian đến.

Đồng chí Phan Việt Cường giải đáp các ý kiến của người dân Thăng Bình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đồng chí Phan Việt Cường giải đáp các ý kiến của người dân Thăng Bình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Giải đáp, chia sẻ

Đồng hồ mới điểm 7 giờ sáng, người dân các xã Bình Dương, Bình Hải, Bình Minh đã đến đông nghịt ở hội trường UBND xã Bình Dương - nơi diễn ra cuộc đối thoại trực tiếp của đồng chí Phan Việt Cường.

Ông Phan Văn Nên (thôn Lạc Câu, Bình Dương) nêu ý kiến, việc mai táng người chết của người dân xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) tại Nghĩa trang nhân dân vùng đông Duy Xuyên - Thăng Bình không đúng quy định, chỉ cách khu dân cư Cây Mộc thuộc thôn Lạc Câu chừng 280m, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, sinh hoạt của người dân. Rất mong tỉnh chỉ đạo huyện Duy Xuyên hướng dẫn nhân dân xã Duy Nghĩa thực hiện đúng quy định. Cùng với ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp diễn ra trầm trọng trong thời gian gần đây, mong tỉnh có giải pháp hỗ trợ người dân, nhất là nâng cấp đê ngăn mặn sông Trường Giang. Giao thông ở trung tâm xã Bình Dương bất tiện, tai nạn luôn tiềm ẩn còn giao thông nông thôn (GTNT) nói chung trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, rất cần được tỉnh đầu tư kiện toàn trong thời gian đến. 

Đi ngay vào vấn đề vướng mắc trong việc mai táng ở Duy Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, Nghĩa trang vùng đông Duy Xuyên - Thăng Bình khu vực xã Duy Nghĩa đã được Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai bàn giao đến huyện Duy Xuyên, xã Duy Nghĩa và đã thông qua quy chế quản lý. Việc cải táng, mai táng phải cách xa khu dân cư ít nhất 1km, do đó quản lý, sử dụng không đúng là bất cập từ phía huyện Duy Xuyên. Các ngành chức năng sẽ làm việc với huyện Duy Xuyên để khắc phục bất cập này.

Ông Bùi Ngọc Hoàng trình bày ý kiến với người đứng đầu của tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Bùi Ngọc Hoàng trình bày ý kiến với người đứng đầu của tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Liên quan đến hạ tầng giao thông, ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông - vận tải cho biết, sẽ bổ sung các giải pháp thiết kế, thoát nước để đảm bảo an toàn giao thông ở trung tâm xã Bình Dương, trọng điểm là khu vực Lạc Câu nối với đường ĐT613. Về GTNT, toàn tỉnh đã qua 3 giai đoạn kiên cố hóa đường huyện và GTNT. Do Thăng Bình địa hình quá rộng, có đến 22 xã, thị trấn với hơn 20 tuyến đường huyện nên khó có thể đầu tư đồng bộ. UBND huyện Thăng Bình cần rà soát nhu cầu đầu tư đường GTNT gửi kiến nghị để ngành tổng hợp, xin chủ trương của tỉnh tiếp tục đầu tư trong giai đoạn từ năm 2020 trở về sau. 

Về việc thiếu nước tưới, ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Bình Dương là xã có rất ít diện tích đất sản xuất chủ động được nước tưới. Khó khăn lớn nhất là địa phương cách trở với sông Trường Giang, đưa nước từ bên này sang bên kia rất tốn kém, đầu tư không dễ. Để giải quyết việc này, huyện Thăng Bình cần lập danh mục các hạng mục thủy lợi cần đầu tư để ngành tham mưu tỉnh cân đối, đầu tư trong thời gian đến. Về đê ngăn mặn sông Trường Giang, ngành đã tham mưu tỉnh thống nhất phân bổ 50 tỷ đồng từ ngân sách để nâng cấp. Hiện tại, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam đang khẩn trương hoàn thiện các đầu việc để triển khai trong thời gian đến. 

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đối thoại với người dân Thăng Bình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đối thoại với người dân Thăng Bình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bảo vệ quyền lợi người dân

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến cho rằng, việc công nhận đất ở đối với những trường hợp đang sử dụng đất trồng cây lâu năm có nguồn gốc từ đất vườn, ao gắn liền với nhà ở được sử dụng ổn định trước ngày 18.12.1980 vẫn chưa thực hiện được, gây bất lợi cho người dân trong bồi thường thu hồi đất để triển khai dự án. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường cho biết, UBND tỉnh đã có báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, giao Bộ Tài nguyên & môi trường hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất ý kiến với bộ nhưng nhiều nội dung như phản ánh của người dân đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên & môi trường để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam được sử dụng sổ địa chính lập sau ngày 15.10.1993 làm cơ sở xác định lại diện tích đất có vườn, ao theo quy định tại Điều 103 Luật Đất đai 2013 đối với các địa phương không có sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính lập trước ngày 15.10.1993, qua đó bảo vệ quyền lợi của người dân.

Tham gia ý kiến tại buổi đối thoại, ông Bùi Ngọc Hoàng (thôn An Trân, xã Bình Hải) trình bày, 5 dự án của Công ty CP Tập đoàn BRG đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500, tuy nhiên việc quy hoạch của dự án chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân trong vùng dự án về đất đai, nhà ở, nơi thờ tự, mong lãnh đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch phù hợp hơn.

Tiếp nhận phản ánh, đồng chí Phan Việt Cường cho rằng, nguyện vọng của người dân là rất chính đáng. Các dự án của Công ty CP Tập đoàn BRG và nhiều công ty, doanh nghiệp khác bắt buộc phải tuân thủ quy hoạch của tỉnh. Theo đó, tỉnh phân chia 12 phân khu, thu hút đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục quốc tế, giao thông..., đồng thời bố trí nhiều phân khu khác để đầu tư hạ tầng y tế, văn hóa, tín ngưỡng dân gian, thờ tự, thiết chế văn hóa của cộng đồng... Nhân dân nên yên tâm, tin tưởng vào chủ trương phát triển bền vững, hài hòa, toàn diện của tỉnh. Người dân sẽ được tạo điều kiện tối đa để phát triển kinh tế và được đáp ứng các nhu cầu khác của cuộc sống...

Làm rõ thêm nội dung trên, ông Lê Vũ Thương - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, theo hướng dẫn, Công ty CP Tập đoàn BRG đang rà soát để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Trong thời gian đến, sau khi tiếp nhận hồ sơ của công ty nói trên, ngành sẽ lần nữa tổ chức tiếp thu ý kiến của người dân, các ngành chức năng, địa phương để thống nhất, có phương án điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân.

Cũng liên quan đến đất đai, nhiều ý kiến cho rằng, tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất theo Chỉ thị 06 của UBND tỉnh đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Đồng chí Phan Việt Cường giải thích, Chỉ thị 06 là cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy về tăng cường quản lý đất đai, xây dựng tại vùng đông nam của tỉnh. Mục đích là tránh tình trạng mua bán đất đai tràn lan gây hệ lụy lớn đến kinh tế - xã hội như đã xảy ra ở một số nơi trong nước...

Đi thẳng vào vấn đề, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường nói, đã có tình trạng người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chia tách thửa, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, đất công ích (đất 5%), xây dựng trái phép, đầu cơ đất đai gây tăng giá đột biến. Bởi vậy, Chỉ thị 06 là cần thiết, kịp thời nhằm chấn chỉnh quản lý đất đai, hiện trạng. Tuy nhiên, trong thực hiện Chỉ thị 06, đã có một số trường hợp vướng mắc, vì thế ngành đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 06, tiếp thu ý kiến của các ngành, các địa phương, người dân để tham mưu tỉnh xem xét, ban hành.

Hiệu quả từ đối thoại

Ông Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Chi bộ thôn Duy An Hà Tây nhìn nhận, qua buổi đối thoại, số ít những người bức xúc quá đáng do chưa hiểu thấu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vùng đông nam đã cởi mở hơn trong trao đổi, nắm bắt thông tin nhiều chiều, đồng thuận với triển khai các dự án lớn vì chuyển biến của vùng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Còn theo ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với người dân Thăng Bình đã gợi mở rất nhiều điều để cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân hưởng ứng, đồng thuận triển khai chủ trương của tỉnh, huyện, tạo động lực thúc đẩy phát triển về mọi mặt của vùng đông nam. “Quan trọng nhất là người dân được dịp trao đổi tâm tư, nguyện vọng, các thắc mắc về triển khai các dự án lớn. Họ đã được người đứng đầu của tỉnh chia sẻ, thấu hiểu các nguyện vọng nên tin tưởng, đặt rất nhiều kỳ vọng về thay da đổi thịt vùng đất họ đang sinh sống, đem lại lợi ích cho chính họ và quan trọng hơn là con cháu họ và các thế hệ mai sau” - ông Phan Công Vỹ nói.

VIỆT NGUYỄN