Trẻ hóa diễn viên ca kịch
Trước yêu cầu gìn giữ, phát triển vốn quý dân ca kịch xứ Quảng trong thời hiện đại và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã không ngừng “làm mới” mình trên nhiều phương diện, trong đó có chiến lược trẻ hóa lực lượng diễn viên của đoàn.
Trẻ hóa diễn viên
Hơn 10 năm trước, trong vở diễn “Những đứa con oan nghiệt” lần đầu tiên sân khấu ca kịch xứ Quảng đã xuất hiện những giương mặt trẻ như: Quang Việt, Thu Uyên, Trường Diệu, Phương Tính... Họ dường đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ, tạo nên sự trẻ trung cần thiết cho sân khấu truyền thống. Đạo diễn - NSND Xuân Huyền khi dàn dựng vở diễn này với một nửa lực lượng là diễn viên trẻ đã khẳng định: “Đây không chỉ là sự lựa chọn thay thế đơn thuần mà còn là chiến lược lâu dài của dân ca kịch xứ Quảng…”.
Bắt đầu từ cái đà đó, liên tục những năm sau này, yếu tố mới và trẻ đã được chú trọng đúng mức bằng việc tuyển chọn và đào tạo tại chỗ cũng như tin tưởng giao vai diễn cho các em. Diễn viên trẻ luôn xuất hiện với tần suất ngày càng cao ở những vở diễn hiện đại như “Đắng trong hạnh phúc”, “Trái tim trong trắng”, “Xuân Tím”, “Thai Xuyên Trần Quý Cáp”, “Ký ức lửa” hay “Trái tim đàn bà”… Và đặc biệt trong vở diễn “Nỗi đau tình mẹ”, phần lớn là sử dụng diễn viên trẻ trên sân khấu.
Sau thế hệ Quang Việt, Thu Uyên, Hùng Nhật, Phương Tính…, ca kịch Quảng Nam lại ươm mầm một lứa diễn viên mới nhiều tiềm năng về diễn xuất và chất giọng. Đó là Mai Phương Thúy, Hồng Trang, Ngọc Quốc, Thảo Trang, Văn Phước, Tạ Tấn, Linh Giang… Các em còn khá trẻ và quan trọng là có niềm đam mê với dân ca kịch. Đạo diễn Triệu Trung Kiên, người liên tục nhiều năm dàn dựng các vở diễn hiện đại cho sân khấu ca kịch Quảng Nam đánh giá cao tài năng và tình yêu nghề của thế hệ trẻ này.
Khi dàn dựng vở diễn “Trái tim đàn bà” hồi năm ngoái, ông Kiên khá bất ngờ về sự vượt trội trong diễn xuất của lửa diễn viên trẻ, đặc biệt là Hồng Trang - một gương mặt được sinh ra trong gia đình truyền thống, bố từng là diễn viên thế hệ đầu của ca kịch Quảng Nam. Nhạy bén trong nắm bắt tâm lý vai diễn, hóa thân đầy cảm xúc qua từng vai được giao, Hồng Trang từng bước thể hiện độ chín của mình, trở thành “hạt nhân” của lớp trẻ hiện tại.
Lớp diễn viên trẻ không những góp phần “làm mới” sân khấu truyền thống trên nhiều phương diện mà còn là yếu tố hết sức quan trọng để Đoàn Ca kịch Quảng Nam hướng hoạt động ca hát ra bên ngoài. Thực tế, với lớp diễn viên trẻ này, nhiều năm nay, ca kịch Quảng Nam đã đảm đương tốt việc phục vụ văn nghệ lễ hội, các dịp kỷ niệm trọng đại cũng như những sự kiện nổi bật của các sở ngành trong tỉnh… Điều này vừa góp phần đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống vừa làm giàu hơn kinh nghiệm sân khấu cho các em.
Truyền nghề
Cũng như các thế hệ đi trước, hầu hết diễn viên trẻ đều chưa qua trường lớp đào tạo về dân ca kịch chuyên nghiệp. Chính vì thế, liên tục những năm qua, Đoàn Ca kịch Quảng Nam vừa tạo đất diễn cho lực lượng trẻ vừa tranh thủ đào tạo nghề bằng các khóa ngắn hạn về cơ bản và nâng cao. Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam cho hay, như năm nay, đoàn đã có 2 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng trẻ. Đầu tiên là lớp truyền nghề cơ bản các làn điệu dân ca bài chòi do NSND Từ Minh Hiệp giảng dạy.
Bằng kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, bằng vốn liếng dân ca có được, nghệ sĩ Từ Minh Hiệp đã truyền lại cho các em những câu hò, điệu lý cơ bản thường được đưa vào các vở diễn của đoàn. Từ đó, các em từng bước nắm bắt và thực hành ngay khi được giao vai diễn. Nghệ sĩ Từ Minh Hiệp không chỉ đơn thuần truyền nghề, mà còn biết cách thổi vào tâm hồn các em tình yêu âm nhạc truyền thống của xứ sở mình, để từ đó các em yên tâm hơn, vững vàng hơn về tâm lý với lựa chọn vào đoàn.
Và mới đây, lớp diễn viên trẻ lại tiếp tục được đào tạo thêm một khóa nâng cao do TS-NSƯT. Hoàng Minh Tâm giảng dạy. Với lớp học này, các em được học các làn điệu dân ca bài chòi căn bản và mới, trong đó có những làn điệu lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu ca kịch Quảng Nam bằng phương pháp tiếp cận khoa học nghệ thuật. Đây là điều rất quan trọng giúp các em nắm bắt và phát triển toàn diện trên sân khấu.
Trong bối cảnh sân khấu truyền thống chuyên nghiệp ở nhiều địa phương cả nước thiếu hụt trầm trọng lực lượng diễn viên trẻ thì sân khấu ca kịch Quảng Nam lại đang có một thế hệ nối tiếp trẻ trung cả nam lẫn nữ. Quan trọng hơn, thế hệ này đã và đang được trang bị tốt về chuyên môn nghiệp vụ lẫn tình yêu cùng niềm đam mê sân khấu ca kịch.