Cơ chế khuyến khích đầu tư công trình nước sạch: Khó đạt mục tiêu

TRẦN HỮU 29/11/2019 13:52

Cuối năm 2015, để giải quyết “khủng hoảng” an ninh nguồn nước sạch, HĐND tỉnh đã ban hành một số nghị quyết về cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư ở các vùng khó khăn. Tuy nhiên, báo cáo tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh vào hôm qua 28.11, Sở Xây dựng cho biết, đến nay các dự án đầu tư công trình nước sạch tập trung vẫn còn ít ỏi và khó đạt được chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra.

Các dự án đầu tư nước sạch tập trung như thế này trên địa bàn tỉnh khá ít. TRONG ẢNH: Nhà máy nước BOO Phú Ninh. Ảnh: T.H
Các dự án đầu tư nước sạch tập trung như thế này trên địa bàn tỉnh khá ít. TRONG ẢNH: Nhà máy nước BOO Phú Ninh. Ảnh: T.H

Ngày 11.12.2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 180 về cơ chế hỗ trợ đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh. Kế tiếp là Nghị quyết số 30 ngày 28.9.2018 của HĐND tỉnh.

Để cụ thể hóa nghị quyết, UBND tỉnh đã ưu tiên 13 danh mục công trình nhằm kêu gọi thu hút đầu tư. Đến nay, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam làm chủ đầu tư 5 dự án nước sạch. Đó là dự án tuyến ống cấp nước đấu nối khu tái định cư Duy Hải (Duy Xuyên); công trình mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại thị trấn Núi Thành và các xã Tam Anh Bắc, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2; công trình mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại thị xã Điện Bàn; dự án mở rộng nhà máy nước Hà Lam (Thăng Bình); công trình mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại xã Duy Phước và thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên).

Ngoài ra, Công ty CP BOO nhà máy nước Phú Ninh còn làm chủ đầu tư dự án BOO nhà máy nước Phú Ninh cũng được hưởng một số chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu.

Ngày 23.4.2019, UBND tỉnh phê duyệt danh mục 30 công trình nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2019 – 2020. Tuy vậy, thời điểm này mới có 8 dự án nằm trong danh mục đang được các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng. Tại khu vực miền núi, tuy cơ chế hỗ trợ của HĐND tỉnh rất thông thoáng trong đầu tư hạng mục nước sạch tập trung, nhưng doanh nghiệp cũng không mặn mà với khu vực thưa dân cư, việc cấp nước sạch chỉ ưu tiên ở thị trấn, thị tứ…

Theo Sở Xây dựng, nhiều thị trấn ở các huyện trung du lẫn miền núi hiện nay đã đầu tư công trình nước sạch tập trung, nhưng số lượng đấu nối ít, tỷ lệ thất thoát nước gây thất thu lớn, khó thu hồi vốn. Các dự án nhà máy nước xây dựng ở khu vực đô thị vùng tây tính giá nước sạch sau khi đầu tư thường cao hơn mức do UBND tỉnh quy định. Đây là một trong những yếu tố khiến người dân các huyện miền núi ngại đấu nối nước sạch của nhà máy. Cục bộ một số nơi ở Đại Lộc, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên… nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không đảm bảo vệ sinh hoặc thiếu nước do chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Các đợt nắng nóng cao điểm mùa khô vừa qua, đã làm cho nước sông Vĩnh Điện, một số vị trí ở Hội An bị nhiễm mặn, nên đã xảy ra tình trạng cắt nước sạch liên tục 2 - 3 ngày.

Đánh giá về khả năng thực hiện Nghị quyết số 180, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú cho rằng, đến năm 2020 có thể đạt 100% chỉ tiêu người dân sử dụng nước sạch đối với khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp. Riêng chỉ tiêu 60% dân số nông thôn sử dụng nước sạch là khó đạt, bởi người dân còn thói quen sử dụng nước từ hệ thống giếng khoan, giếng đào, nước suối. Vì sao cơ quan chuyên ngành chưa thể đưa ra con số cụ thể về tỷ lệ người dân vùng nông thôn dùng nước sạch? Về việc này, đại diện Sở Xây dựng giải thích rằng, công tác quản lý nhà nước về cấp nước tại khu vực nông thôn thuộc Sở NN&PTNT.

Để tháo gỡ bất cập về nước sạch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Bá Tú đề xuất, HĐND tỉnh cần nghiên cứu cơ chế trợ giá nước cho người dân sử dụng nước sạch ở vùng khó khăn, không có khả năng thu đủ chi phí; cấp bù từ ngân sách địa phương cho đơn vị đầu tư công trình nước sạch trong trường hợp giá nước thấp hơn giá thành theo quy định.

Theo Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức, chủ trương của HĐND tỉnh là sẽ cơ cấu hợp lý nguồn vốn đầu tư dự án công trình nước sạch cho miền núi, bổ sung cơ chế hỗ trợ nếu thấy cần thiết; đồng thời sẽ quản lý hiệu quả hơn sau đầu tư hệ thống nước sạch.

TRẦN HỮU