Ngao du Tà Lang - Giàn Bí

QUỐC TUẤN 27/11/2019 19:32

Thời gian qua, Đà Nẵng đã tạo dựng được thương hiệu ở các loại hình du lịch biển, du lịch MICE… Nếu du khách muốn đổi gió, hãy bỏ lại không khí sầm uất ở khu vực trung tâm và đi về phía tây của thành phố để lạc vào không gian trong lành, thanh bình ở Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).

Dòng suối trong lành vắt ngang qua Tà Lang - Giàn Bí. Ảnh: Q.T
Dòng suối trong lành vắt ngang qua Tà Lang - Giàn Bí. Ảnh: Q.T

Mãi đến tháng 10 vừa qua, điểm du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí mới chính thức được chính quyền địa phương khai trương và đi vào hoạt động nhưng trước đó rất lâu địa điểm này đã được những người đam mê du lịch bụi “kháo nhau” tìm đến để khám phá vùng đất còn giữ được thiên nhiên hoang sơ. Cách trung tâm TP.Đà Nẵng chừng 35km, Tà Lang - Giàn Bí không quá hiểm trở và thích hợp cho cả những chuyến đi qua đêm hoặc về trong ngày.

Đến gần Hòa Bắc, con đường chạy giữa những cánh đồng mía bạt ngàn đón chúng tôi với một bầu không khí trong trẻo. Các rặng núi thấp, khe suối, mỏm đá đan xen nhau dần hiện ra. Một điều khá thú vị khi Tà Lang - Giàn Bí nằm ở vùng đệm giữa Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) với Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa nên cảnh quan, khí hậu ở đây ôn hòa và dễ chịu ngay cả khi vào mùa khô hạn.

Vũng Bọt và Khe Đương là hai địa điểm mà mọi du khách đặt chân đến Tà Lang - Giàn Bí đều muốn ghé qua để hòa mình nô đùa trong làn nước trong vắt. Theo lời người dân địa phương, địa điểm này là nơi khởi nguồn của dòng Cu Đê hiền hòa, là hợp lưu của hai nhánh sông Bắc và sông Nam bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Chúng tôi đến Khe Đương (thôn Tà Lang) sau khi băng qua một con suối nhỏ, cạn nhưng lởm chởm sỏi đá. Ở đây có một hồ nước tự nhiên nhỏ, nước trong veo có thể thấy cả đáy và khá sâu, vì thế du khách không nên mạo hiểm tắm ở đây nếu không thạo bơi lội. Cách Khe Đương chừng 4 cây số, Vũng Bọt gần đây đã dập dìu du khách hơn bởi địa hình, dịch vụ có phần thuận lợi, có thể tập kết sinh hoạt nhóm, cắm lều trại qua đêm.

Nếu không thích chèo thuyền kaya, mọi người có thể thuê bè kết bằng tre để thử chèo chống hoặc lưu lại những bức hình lưu niệm hệt như đang lạc vào danh thắng Tuyệt Tình Cốc (Đà Lạt). Vũng Bọt thoáng, mặt nước tĩnh lặng và cạn hơn Khe Đương, những trẻ nhỏ có thể thoải mái nô đùa té nước cùng gia đình, kể cả khi không giữ thăng bằng và ngã nhào xuống mặt nước thì chúng cũng có thể tự mình trèo lên thuyền kaya được.

Gần đó, một đồng cỏ quanh năm xanh mơn mởn được bài trí lều trại, “background” để các cặp đôi chụp hình cưới vô cùng lãng mạn hoặc du khách “check-in” như được rong chơi ở một thảo nguyên xa xăm nào. Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, thời gian qua địa phương đã nhận được sự hỗ trợ từ dự án “Góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chùa và Vườn quốc gia Bạch Mã, kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng”, triển khai thực hiện tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, giúp khu vực này có thêm những nguồn lực thiết thực để làm du lịch bài bản hơn.

Đi sâu vào trong làng là nơi quần tụ của hơn 250 hộ dân Cơ Tu sinh sống từ bao đời với phong tục tập quán không khác mấy với đồng bào ở vùng cao Quảng Nam. Đồng bào Cơ Tu ở đây cũng đã biết làm du lịch. Làng vẫn thuần khiết như vậy, với thanh âm từ các khung dệt, đan lát, kết bè tre, ốp tre lên sàn làm chòi lá phục vụ du khách… Dừng chân dưới mái gươl, ẩm thực Cơ Tu với những ống cơm lam, ché rượu cần hay xiên thịt nướng đủ sức làm mê mẩn bất kỳ du khách nào.   

Ngao du ở Tà Lang - Giàn Bí những ngày cuối tuần là trải nghiệm tuyệt vời giúp du khách thư giãn, nạp thêm năng lượng trở lại với cuộc sống thường nhật. Để khu vực này mãi xanh, bình yên và đúng nghĩa sinh thái, du khách hãy “đừng để lại gì ngoài những dấu chân và đừng mang gì đi ngoài những bức ảnh”.

QUỐC TUẤN