CTR Vina và câu chuyện sẻ chia hạnh phúc
Ngày 25.11, lãnh đạo Công ty TNHH CTR Vina và Làng Hòa Bình đã đặt bút ký kết Biên bản hợp tác về việc trao học bổng cho các em sinh viên và lưu trú tại Làng Hòa Bình trong chương trình có tên gọi “Lễ Ký kết hỗ trợ chia sẻ hạnh phúc”.
Trách nhiệm với xã hội
Theo nội dung cam kết, trong vòng 5 năm đến (từ ngày 25.11.2019 - 25.11.2024), trường hợp mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn ở Làng Hòa Bình (thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, Phú Ninh) khi theo học tại các trường đại học, cao đẳng sẽ được Công ty TNHH CTR Vina - Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) trao tặng học bổng nhằm trang trải một phần chi phí học tập. Mỗi năm công ty hỗ trợ tối đa 5 sinh viên, mức hỗ trợ theo mức học phí của từng trường quy định.
Tại buổi ký kết, CTR Vina đã trao 3 suất học bổng tặng học sinh, sinh viên của Làng Hòa Bình với tổng kinh phí 50 triệu đồng. Trong đó, hai chị em Phan Thị Kim Thanh (sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam) và Phan Thị Thanh Ngân (sinh viên Trường Đại học Quảng Nam) được hỗ trợ suất học bổng 30 triệu đồng; em Nguyễn Thị Hiền Giang học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Phú, xã Tam Đàn (Phú Ninh) được hỗ trợ suất học bổng 20 triệu đồng. Dịp này, CTR Vina còn dành hơn 100 suất quà gồm áo ấm và dụng cụ học tập tặng trẻ em tại Làng Hòa Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Choi Young Dae - Tổng Giám đốc Công ty TNHH CTR Vina cho biết, là nhà sản xuất linh kiện ô tô, bắt đầu hoạt động vào tháng 12.2018, kể từ khi xuất chuyến hàng đầu tiên vào tháng 4.2019, công ty đã đạt năng suất sản xuất khoảng 95%. Lý do công ty có thể phát triển đúng hướng chỉ trong một thời gian ngắn là nhờ vào sự hợp tác của nhiều cơ quan ban ngành tại tỉnh Quảng Nam và sự giúp đỡ của những người dân địa phương.
“Để thể hiện lòng biết ơn, chúng tôi quyết định thực hiện các chương trình hoạt động xã hội và ký kết giao ước hỗ trợ Làng Hòa Bình với mong muốn trở thành “doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội”. Thông qua hoạt động lần này chúng tôi hy vọng các em nhỏ, những người lớn lên ở Làng Hòa Bình, cũng như những nhân viên người Việt làm việc tại CTR Vina có thể phát triển thành những nhân tài, những người có ích cho xã hội. Chúng tôi hy vọng CTR Vina sẽ tăng trưởng hơn nữa và là một công ty tốt tại Việt Nam” - ông Choi Young Dae nói.
Công ty CTR Vina cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước và châu Á với mục tiêu cố gắng trở thành tốp 2 tại thị trường Châu Á vào năm 2023.
Chương trình nhân văn
Công ty CTR Vina chính thức hoạt động vào ngày 7.12.2018 tại Khu công nghiệp Tam Thăng (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) với diện tích 54 nghìn mét vuông, thuộc công ty con của Tập đoàn CENTRAL tại Hàn Quốc – một tập đoàn có hơn 50 năm hoạt động trong việc sản xuất và gia công các linh kiện phụ tùng xe ô tô. Hiện nay, Tập đoàn CENTRAL có trụ sở chính tại thành phố Chang Won và đang sở hữu 12 nhà xưởng cùng 5 công ty con tại Hàn Quốc và có Trung tâm Nghiên cứu công nghệ tại Đức, cùng 4 chi nhánh, đại lý tại Nga, Trung Quốc, Mexico và Việt Nam với Công ty TNHH CTR Vina.Công ty CTR Vina là công ty có vốn đầu tư từ 3 đơn vị, là Công ty NEO CTR, Công ty CENTRAL CMS của Hàn Quốc và Công ty CENTRAL AUTOMOTIVE của Nhật Bản với tổng số vốn là 27,2 triệu USD, mục tiêu chính là sản xuất, gia công phụ tùng ô tô gồm: bộ phận lái và bộ phận treo và sẽ là công ty sản xuất chủ lực sang thị trường Nga và châu Á. Ngoài mục đích hướng đến việc cung cấp các sản phẩm phụ tùng ô tô chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho khách hàng, Công ty CTR Vina cũng đặc biệt chú trọng đến việc tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Với mong muốn được đồng hành và chia sẻ bớt một phần khó khăn của những mảnh đời bất hạnh, Làng Hòa Bình sẽ là điểm khởi đầu cho chuỗi hoạt động vì cộng đồng của Công ty CTR Vina.
Hai chị em Phan Thị Kim Thanh và Phan Thị Thanh Ngân cùng nhau lớn lên và trưởng thành tại Làng Hòa Bình. Đây là 2 trường hợp đầu tiên của Làng Hòa Bình thi đậu vào các trường cao đẳng và đại học. Thanh đang là sinh viên năm cuối ngành Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, còn Ngân là sinh viên năm 2 ngành Sư phạm Mầm non Trường Đại học Quảng Nam.
Trong thời gian theo học, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước về tiền ăn và sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định (trung bình hơn 900 nghìn đồng/tháng/trường hợp), Thanh và Ngân phải đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học. Chính vì thế, việc Công ty CTR Vina hỗ trợ học bổng 30 triệu đồng khiến 2 chị em vui mừng khôn xiết.
Thanh chia sẻ: “Dù được Nhà nước và các cô ở Làng Hòa Bình quan tâm, nhưng sự hỗ trợ đó chỉ đáp ứng được một phần chi phí ăn học. Vì thế hôm nay được Công ty CTR Vina trao tặng học bổng mình mừng lắm. Em mình còn hơn 2 năm học đại học nữa nên sẽ dành số tiền này để em yên tâm học hành tốt hơn”.
Học sinh duy nhất của Làng Hòa Bình được CTR Vina tặng học bổng đợt này, Nguyễn Thị Hiền Giang dù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng 7 năm qua luôn đạt học sinh giỏi và là một lớp trưởng gương mẫu. Giang cho biết rất yêu cuộc sống ở Làng Hòa Bình vì ở đây luôn có tình cảm, sự chở che, yêu quý mà các cô, anh chị và các em dành cho mình.
“Em sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa trong học tập và rèn luyện để sau này trưởng thành làm một người tốt. Nếu có thể em mong mình sẽ làm được điều gì đó giúp đỡ cho các em ở Làng Hòa Bình trong tương lai” - Giang tâm sự.
Bà Võ Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Làng Hòa Bình cho biết, hiện ở làng có 51 học sinh từ bậc mẫu giáo đến đại học. Với nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cùng sự nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, giáo viên, các em không chỉ được chăm sóc mà còn được giáo dục tốt. Nhiều em đã vượt lên hoàn cảnh trở thành những học sinh, sinh viên học giỏi. Tuy nhiên, thực tế là khi bước vào những năm cuối bậc phổ thông, tâm lý một số em có phần e ngại, lo sợ việc học tiếp lên bậc học cao hơn như đại học, cao đẳng sẽ khó khăn do không có người thân ở bên hỗ trợ.
“Đây là lý do mà tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Công ty CTR Vina đã cam kết dành cho các em sinh viên của Làng Hòa Bình. Đây là một chương trình nhân văn vì thông qua nguồn hỗ trợ lâu dài và bền vững này, chúng tôi sẽ có cơ sở để động viên các em học sinh tiếp tục cố gắng trong học tập để tự tin, yên tâm khi bước vào giảng đường đại học trong những năm tiếp theo” - bà Hạnh nói.