Gìn giữ di sản ký ức
Theo định nghĩa của UNESCO: “Ký ức thế giới là những hồi ức của các dân tộc trên thế giới được chọn lọc và ghi lại bằng tư liệu, ghi lại sự phát triển về tư tưởng, những khám phá và thành tựu của xã hội loài người. Những di sản tư liệu này đại diện cho một bộ phận lớn di sản văn hóa thế giới. Đó là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai”. UNESCO cũng đã đưa ra sáng kiến có ý nghĩa là Chương trình Ký ức thế giới, nhằm ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu của nhân loại.
Chương trình nói trên, qua các năm 2012, 2014, 2016 đã lần lượt ghi nhận 4 di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương của nước ta, gồm: Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Mộc bản trường Phúc Giang. Đặc biệt, vượt lên trên tầm khu vực, Việt Nam đã có 4 Di sản Tư liệu thế giới được công nhận là: Mộc bản triều Nguyễn (công nhận năm 2009); Bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (năm 2010); Châu bản triều Nguyễn (năm 2017); Cuốn sách cổ “Hoàng hoa sứ trình đồ” (2018).
Tầm vóc các Di sản Tư liệu thế giới rất đồ sộ. Như Mộc bản triều Nguyễn có 34.555 bản khắc những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn; Bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội ghi danh khoa cử hơn 300 năm (1442-1779); Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm lưu giữ 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc; Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được 776 tập Châu bản của vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Đây quả thực là nguồn tư liệu cực kỳ quý báu để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa trong đời sống quá khứ của cha ông chúng ta. Có những tư liệu là vô giá, như trong Châu bản triều Nguyễn có 19 tờ Châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Theo đó, triều Nguyễn đã sử dụng thủy quân kết hợp với đội Hoàng Sa hàng năm ra hai quần đảo này để khảo sát, thăm dò đường biển, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật…
Những di sản tư liệu đã được thế giới công nhận, tất nhiên là có giá trị nổi bật và đã có kế hoạch lưu giữ rồi. Tuy vậy, chắc hẳn còn nhiều di sản ký ức ẩn tàng, nhất là ở các địa phương, chưa được quan tâm đúng mức. Ví như các hương ước làng cổ, tư liệu về các kiến trúc văn hóa cổ của làng xã, lịch sử dòng họ, làng nghề… chưa ai thống kê đầy đủ được. Ngay cả tư liệu về các nhân vật nổi tiếng hay sự kiện lịch sử đáng chú ý, đôi khi ta vẫn bắt gặp tình trạng “tam sao thất bản” do mất mát các di sản ký ức vì chiến tranh loạn lạc. Và chúng ta thường nghe ký ức là những câu chuyện thời quá vãng rất khó minh xác tính chân thực. Chẳng hạn, hồi ký của các nhân vật hay để lại “câu thòng” trong lời ngỏ, đại ý vì thời gian phôi pha, nhân chứng tuổi già nhớ nhớ quên quên nên mong độc giả lượng thứ những chỗ còn khiếm khuyết.
Một điều đáng quan tâm hơn là phải có cách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tư liệu ra sao cho hiệu quả. Gần đây, người ta thường cảnh báo về các di sản vật thể như công trình kiến trúc cổ đang đối diện với tình trạng bị đổ nát nhưng đối với di sản tư liệu thách thức cũng chẳng kém. Mộc bản và những bản giấy của tư liệu cổ rất dễ bị thời tiết và thời gian tác động làm gia tăng sự mục nát, hư hỏng, cần phải bảo tồn nghiêm ngặt và sao rập để số hóa mới sử dụng dữ liệu thông tin được.
Việc giữ gìn những tư liệu ký ức có ý nghĩa đặc biệt trong dòng chảy đời sống, làm cho tâm hồn con người đỡ chông chênh vì đứt gãy với văn hóa quá khứ trên hành trình đi tới tương lai.