Bắt dế ở bãi bồi Sà Nu (clip)

MỸ LINH - THANH THẮNG 27/11/2019 10:29

(QNO) - Những ngày này, người dân ở thôn 3 (xã Trà Giang, Bắc Trà My) đổ xô ra bãi bồi Sà Nu ven sông Trường để bắt dế bán cho thương lái.

Người dân dùng dây thép gắn lò xo để bắt dế. Ảnh: L.T
Người dân dùng dây thép gắn lò xo để bắt dế. Ảnh: L.T

Mùa này, bãi bồi Sà Nu - vùng đất trồng hoa màu của người dân chưa vào vụ sản xuất và có rất nhiều dế. Khoảng 7 giờ sáng, chị Mai Thị Thúy (thôn 3, xã Trà Giang) chuẩn bị dụng cụ bắt dế gồm một cuốc bàn, đoạn dây thép gắn lò xo và một chiếc xô đựng dế. Chị Thúy thường xuyên bắt dế bán cho thương lái nên khá dày dặn kinh nghiệm.

Chị Thúy kể, dế thường sống ở bãi bồi ven sông nơi có cỏ xanh và những vùng sau khi thu hoạch hoa màu. Sau vài ba nhát cuốc, người dân dùng đoạn dây thép gắn lò xo xoay nhẹ vào trong hang. Khi dế đá chân vào lò xo thì liền rút dây ra ngoài, kèm theo đó là chú dế bị cuộn vào lò xo.

Clip người dân bắt dế ở bãi bồi Sà Nu:

Ông Dương Hiển Mười (thôn 3, xã Trà Giang) chia sẻ, mùa bắt dế ở đây bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm. Sau thời điểm thu hoạch sắn và hoa màu là dế nhiều nhất. Hai năm trở lại đây có thương lái đến thu mua dế (1.200 đồng/con) nên người dân địa phương đổ xô đi bắt kiếm thêm thu nhập. Ngày nào đào nhiều thì bỏ túi khoảng 500 nghìn đồng, ít cũng 200 nghìn đồng. 

Một đĩa dế xào thơm ngon. Ảnh: L.T
Một đĩa dế xào thơm ngon. Ảnh: L.T

“Công việc đào dế không mấy vất vả, chỉ khó khăn ở công đoạn đi tìm miệng hang. Dế thường sống ở khu vực đất thịt nhiều hơn, hang sâu khoảng 30cm; còn đất cát hang sâu chừng 50cm trở lên. Năm nay dế nhiều nên bà con phấn khởi, không bận việc thì người dân lại vác cuốc ra bãi Sà Nu đào dế” - ông Mười nói. Việc bắt dế còn có lợi ích khác, là khi vào vụ sản xuất sẽ hạn chế dế cắn phá hoa màu.

MỸ LINH - THANH THẮNG