Dừng sử dụng thuốc gây tê từ Ba Lan: Cần chủ động nguồn thuốc thay thế
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các sở y tế, bệnh viện, các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu thuốc... cần chủ động thay thế thuốc đã trúng thầu là Bupivacain, xuất xứ từ Ba Lan gây hoang mang dư luận những ngày gần đây.
Cụ thể, Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương rà soát công tác mua sắm thuốc, đảm bảo cung ứng kịp thời trong trường hợp cần thay thế thuốc đã trúng thầu; chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh thuốc để được cung ứng. Trong trường hợp không chọn được nhà thầu cung ứng thuốc thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi thì có thể áp dụng các hình thức: Mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn... theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 và Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11.7.2019 của Bộ Y tế. Như vậy, nếu thấy cần phải thay ngay thuốc Ba Lan, các cơ sở y tế có thể chủ động mua trực tiếp, chỉ định thầu hoặc chỉ định thầu rút gọn thuốc khác, theo danh sách trúng thầu, thay vì thủ tục đấu thầu rộng rãi vốn cần nhiều thời gian.
Tại Quảng Nam, từ ngày 21.11, các bệnh viện hiện đang sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất (Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC 1 cung ứng) đã chủ động ngưng sử dụng. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thay thế bằng thuốc gây tê Chirocaine với thành phần là Levobupivacaine, xuất xứ từ Na Uy cung cấp. Tương tự, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn cũng đang chuyển sang sử dụng các thuốc gây tê thay thế với hoạt chất Levobupivacaine thay cho Bupivacaine được cho là đã xảy ra các biến chứng ở nhiều sản phụ.
Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn cung thuốc thay thế, các cơ sở y tế hiện nay không có chuyện sẽ bị thiếu thuốc trong tương lai. “Thực ra có rất nhiều thuốc từ các nhà sản xuất uy tín của nhiều quốc gia khác nhau. Các bệnh viện hoàn toàn có thể lựa chọn các nhà cung cấp khác nhau” - ông Mai Văn Mười nói. Như Báo Quảng Nam đã thông tin, danh mục thuốc đấu thầu của tỉnh trong năm 2018 - 2019 có hoạt chất Bupivacaine nhưng không phải xuất xứ từ Ba Lan. Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Quản lý dược, hiện có 181 bệnh viện, sở y tế các tỉnh/thành đang sử dụng thuốc gây tê chứa Bupivacaine mà không phải do hãng dược Polfa Ba Lan sản xuất. Đây là số thuốc trúng thầu năm 2018 - 2019, là nguồn cung chủ yếu cho các cơ sở y tế có sử dụng thuốc gây tê loại này. Lâu nay các nhà sản xuất từ Pháp thường trúng thầu cung cấp thuốc gây tê, tuy nhiên có một giai đoạn bị đứt hàng nên các cơ sở y tế lựa chọn thay thế bằng nguồn thuốc từ Ba Lan.