Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

TƯ RUỘNG 26/11/2019 10:32

Cách đây vài ngày, lên huyện Quế Sơn tìm hiểu tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp, Tư tôi thấy vợ chồng anh Ba Khánh Đức ở xã Quế Châu lom khom phát dọn cỏ bờ để chuẩn bị triển khai gieo trồng vụ đông xuân 2019 – 2020 sắp tới.

Anh Ba cho biết, gia đình anh có 4 sào đất lúa nằm ở khu vực cuối kênh nên lâu nay quá trình canh tác gặp nhiều khó khăn vì nguồn nước tưới quá bấp bênh. Đầu vụ đông xuân năm nay, được ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cũng như hỗ trợ một số khâu trọng yếu, anh Ba Khánh Đức mạnh dạn chuyển toàn bộ 4 sào đất lúa sang thâm canh đậu phụng theo phương thức phủ bạt ny lon. “Việc sản xuất đậu phụng trên đất lúa giúp nhà nông chúng tôi tiết kiệm ít nhất 35% lượng nước tưới trong điều kiện nguồn nước thường xuyên thiếu hụt và điều quan trọng hơn là giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích tăng lên đáng kể. Thực tế cho thấy, bình quân 1 sào thu hoạch được 160kg đậu phụng khô, bán tại nhà cho tư thương với mức giá 23 nghìn đồng/kg thì đạt giá trị gần 3,7 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả tiền công làm đất... còn lại lãi ròng không dưới 2,7 triệu đồng/sào, cao gấp 3 lần so với trước đây gieo sạ lúa” – anh Ba chia sẻ.

Trao đổi với Tư tôi, ông Lưu Văn Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, thực hiện Kế hoạch số 62/KH-UBND (ngày 30.6.2017) của UBND huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hơn 2 năm nay ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương của Quế Sơn đã quyết liệt triển khai công tác này bằng nhiều mô hình hiệu quả. “Chỉ tính riêng trong vụ đông xuân và hè thu của năm 2019 này, nông dân trên địa bàn huyện đã tiến hành chuyển 167,3ha đất lúa sang trồng đậu phụng thâm canh, đậu phụng xen sắn, bắp lai, mè... Qua khảo sát và đánh giá tại nhiều nơi cho thấy, hầu hết mô hình chuyển đổi đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn đều giúp nông dân tăng thêm 25 – 35% giá trị kinh tế” – ông Thành nói.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, ngoài huyện Quế Sơn, trong năm nay nông dân nhiều địa phương khác của tỉnh như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn... cũng đã chuyển khoảng 650 – 700ha đất lúa sang canh tác những loại hoa màu chủ lực. Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, những năm gần đây nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà trọng tâm là chú trọng công tác chuyển đổi cây trồng đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị của lĩnh vực trồng trọt. “Nếu năm 2015 bình quân 1ha đất canh tác của tỉnh cho giá trị 75,3 triệu đồng thì theo dự tính năm 2019 này đạt khoảng 88 triệu đồng/ha, mức tăng trưởng bình quân đạt 4,0%/năm” – ông Trung nói.

Theo kế hoạch, đông xuân 2019 – 2020 nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh sẽ tổ chức sản xuất 42.000ha lúa. Dự báo, trong vụ tới nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sớm. Vì vậy, tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2019 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng bài bản kế hoạch phòng chống hạn và nhiễm mặn ngay từ đầu vụ. Đồng thời phải giảm mạnh diện tích lúa ở vụ đông xuân, tăng diện tích gieo trồng các loại cây trồng cạn theo thứ tự ưu tiên chuyển đổi là bắp, đậu phụng, đậu đen, đậu xanh, đậu nành và một số loại cây thực phẩm, cây thức ăn gia súc...

TƯ RUỘNG