Góp ý Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

VĂN HIẾU 24/11/2019 19:13

(QNO) - Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh: V.H
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh: V.H

Về nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng (Điều 7) và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 13), đại biểu Phan Thái Bình cho rằng về mặt bản chất, các công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và các sản phẩm, dịch vụ công đầu tư theo phương thức PPP là các dự án đầu tư công, trách nhiệm đầu tư của nhà nước nhưng do nguồn lực đầu tư của nhà nước có hạn, nên áp dụng phương thức đầu tư PPP để huy động vốn từ khu vực tư nhân.

Khu vực tư nhân tham gia trong các dự án này đều dựa trên nguyên tắc lợi nhuận (không những lợi nhuận theo nguyên tắc thị trường mà còn được nhà nước bảo đảm bằng các cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu (Điều 77) và bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng (Điều 76)). Do vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải theo đúng Luật Đầu tư công; đồng thời xem xét bổ sung cơ quan có thẩm quyền tại Khoản 1 Điều 7 là HĐND cấp tỉnh.

Về giám sát chất lượng công trình đầu tư bằng phương thức PPP (Điều 55) kiểm tra, thanh tra, kiểm toán (Chương VIII), đại biểu Phan Thái Bình đánh giá trong thời gian qua, một số công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất to lớn. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra tình trạng chất lượng công trình đầu tư chưa cao; chủ đầu tư BOT thiếu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng; một số công trình sau khi hết thời gian khai thác, bàn giao nhà nước quản lý thì công trình xuống cấp nghiêm trọng, nhà nước phải bỏ vốn đầu tư, sửa chữa, nâng cấp mới có khả năng tiếp tục sử dụng.

Do vậy, dự thảo luật cần quy định chi tiết, cụ thể về chất lượng công trình (đầu ra của sản phẩm), đảm bảo công trình đầu tư theo phương thức PPP sau khi hết thời gian khai thác, bàn giao nhà nước phải đảm bảo chất lượng và trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng của chủ đầu tư. Đại biểu Phan Thái Bình đề xuất công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với dự án PPP phải được thực hiện như đối với dự án đầu tư công.

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế tại Khoản 2 Điều 3 quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này với các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của luật này” (luật này có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, trong khi đó Luật Đầu tư đang thảo luận cũng có hiệu lực vào ngày 1.1.2021); tại Khoản 3 Điều 4 của Luật Đầu tư quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này với luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh thì thực hiện theo quy định của luật này; trừ trường hợp trình tự thủ tục đầu tư  theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí” (không loại trừ Luật Đầu tư theo phương thức PPP).

Như vậy, trong trường hợp có mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư theo hình thức PPP và Luật Đầu tư thì sẽ không biết vận dụng luật nào, vì hai luật này cùng thời điểm có hiệu lực và không loại trừ lẫn nhau. Do đó, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định lại Điều 3 theo đúng quy định của Điều 12 và Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa luật này với các luật liên quan theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo chương trình kỳ họp, hôm nay 20.11 Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động và thảo luận tại hội trường về Luật Đầu tư (sửa đổi).

VĂN HIẾU