Công nghệ nuôi cá hồi ở sa mạc của Dubai

NAM VIỆT 23/11/2019 19:56

(QNO) - Nằm ngay trong sa mạc Ả rập, Dubai khiến nhiều người thán phục khi trở thành thành phố giàu có nhất thế giới, trong đó có quả ngọt từ việc ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực.

Trang trại nuôi cá hồi tại vùng sa mạc của Dubai. Ảnh: AFP
Trang trại nuôi cá hồi tại vùng sa mạc của Dubai. Ảnh: AFP

Dubai, thành phố đồng thời là một trong 7 tiểu vương quốc của Ả rập Thống nhất vốn không xa lạ với các dự án đầy tham vọng như các đại dự án về cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, việc nuôi cá hồi trong sa mạc, theo Bader bin Mubarak - Giám đốc điều hành trang trại cá hồi quy mô lớn Fish Farm tại Dubai là “điều mà không ai có thể tưởng được nhưng vẫn đang được tiến hành tại Dubai”.

Cá hồi là loại cá được tiêu thụ lớn thứ hai tại vùng Trung Đông. Loài cá sinh sôi nảy nở ở vùng có nhiệt độ thấp như Iceland, Na Uy, Scotland và Alaska - đó là lý do tại sao việc nuôi cá hồi Đại Tây Dương như ở Dubai là một thách thức lớn, vì có khí hậu sa mạc với nhiệt độ có thể lên trên 45 độ C. Hơn nữa, cá hồi được sinh ra ở nước ngọt nhưng sống trong nước mặn trong phần lớn cuộc đời trước khi trở lại nước ngọt để sinh sản.

Tại Dubai, nước để nuôi cá là nước mặn được lấy từ lòng đất và nguồn nước này cũng có thể được cải tạo thành nước ngọt cung cấp đầy đủ cho sinh trưởng và lai tạo thành công giống cá hồi. Những giọt nước ngọt khan hiếm tại vùng sa mạc như thế sẽ được sử dụng hợp lý, tránh lãng phí. Nước thải từ trang trang trại cá được dùng tưới cây, tái chế sử dụng cho hồ cá và chất thải từ cá được xử lý thành phân bón hữu cơ. Thức ăn cho cá có chất lượng cao để có nguồn thực phẩm sạch.

Ngoài ra, bên trong các hồ nuôi cá đều có hệ thống tự động để điều tiết dòng nước, tạo sóng, dòng chảy tự động, môi trường cũng như nhiệt độ dao động để tạo điều kiện hấp dẫn nhất cho cá hồi sống trong 4 bể lớn như môi trường sông, biển thực thụ.

Trang trại Fish Farm được xem là một trong những đột phá trong nuôi trồng thủy sản tại vùng sa mạc của Dubai. Ảnh: AFP
Trang trại Fish Farm được xem là một trong những đột phá trong nuôi trồng thủy sản tại vùng sa mạc của Dubai. Ảnh: AFP

Như trang trại Fish Farm đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để tạo môi trường sống nhân tạo cho cá phát triển mạnh - từ bể “sông” nước ngọt sâu 3 mét, đến “đại dương” nước mặn 6 mét. Toàn bộ năng lượng được sử dụng trong các hoạt động trang trại cá được khai thác từ nguồn năng lượng mặt trời.

Hệ thống cho cá ăn tự động để tránh dư thừa thức ăn không có lợi cho cá và cả môi trường. Một hệ thống động kết nối các bể, với các đường ống trong suốt để có thể theo dõi sự hoạt động, thể trạng và sức khỏe của từng vật nuôi.

Fish Farm là trang trại cá lớn nhất tại Dubai, hiện nuôi khoảng 40.000 cá giống hoặc cá con từ một trại giống ở Scotland, và hàng nghìn quả trứng từ Iceland để nuôi trong các bể ở ngoài trời quận Jebel Al, phía nam Dubai.

Các tiểu vương quốc Ả rấp Thống nhất (UAE) hiện nhập khẩu khoảng 92% lượng cá từ các nước. Việc ra đời các trang trại quy mô lớn và sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra được nguồn cá chất lượng trong một hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, khép kín, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường như Fish Farm sẽ góp phần bảo đảm nguồn an ninh thực phẩm cho UAE.

Fish Farm cho biết sẽ bắt đầu bán sản phẩm của mình trong các siêu thị tại địa phương và sau đó sẽ mở rộng thị trường trong khối UAE vào tháng 4.2020. Mục tiêu trước mắt mà Fish Farm hướng tới là 2.500 tấn cá mỗi năm. 

NAM VIỆT