Nợ... lời xin lỗi
Món nợ này tưởng có thể dễ dàng giải quyết thì lại có vẻ khó khăn với nhiều sở ban ngành trên địa bàn tỉnh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Theo báo cáo, trong 11 tháng đầu năm 2019, có tổng cộng 1.052 hồ sơ trễ hạn (chiếm 1,5% hồ sơ giải quyết) của các đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sở, ngành chưa triển khai thực hiện xin lỗi đối với các hồ sơ trễ hạn. Theo phân tích của Trung tâm Hành chính công tỉnh, các hồ sơ trễ hạn, chậm trả thường không có thông báo và thư xin lỗi cho tổ chức, cá nhân; đặc biệt có trường hợp các tổ chức đề nghị trả lời nhiều lần nhưng không được giải đáp... Giải thích chung về tình trạng này, nhiều sở ngành cho rằng dù đã đôn đốc nhưng do khối lượng công việc nhiều, tính chất hồ sơ phức tạp, nhạy cảm, vừa mang tính pháp lý, vừa có sự phối hợp giữa các ngành liên quan... nên không làm thông báo và gửi thư xin lỗi, vấn đề này sẽ được khắc phục trong thời gian tới.
Lý do nợ lời xin lỗi như thế người dân nghe rất dễ thông cảm cho ngành chức năng vì “công việc nhiều”, nhưng lại có vẻ... thiếu sự chân thành. Anh bận đến nỗi không thốt lên được lời xin lỗi sau khi “thất hứa” với người dân, doanh nghiệp hay sao? Ở đây hình như có một chút sai sai trong quan niệm về lời xin lỗi. Đừng quan niệm nặng nề rằng lời xin lỗi là một thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết hồ sơ mà hãy nghĩ đến xúc cảm của người dân khi hồ sơ không được giải quyết đúng hạn. Đó có thể là sự tốn kém về thời gian, chi phí, sự bị động trong công việc hoặc nỗi “hoang mang” của người xin giải quyết thủ tục hành chính... Ai cũng biết thủ tục hành chính hiện tại còn quá nhiêu khê, mất nhiều thời gian với trăm nghìn lý do dẫn đến sự trễ hẹn, vì vậy mới đặt ra lời xin lỗi để trước hết giúp người làm thủ tục hành chính yên tâm, thông cảm và chia sẻ. Hay nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, lời xin lỗi nên xem đó là nét văn hóa trong thực thi công vụ.
Có một thực tế cũng là nguyên nhân dễn đến tình trạng nợ lời xin lỗi là quá trình thực hiện thủ tục hành chính hiện nay thường thiếu sự minh bạch, mà trước hết là minh bạch trong trách nhiệm, trong đó có nguyên do từ quy định về quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Chính vì thế mới sinh ra tâm lý rằng không phải là lỗi của tôi, hoặc tôi chỉ có trách nhiệm một phần thì làm sao có thể “xin” được; “xin” là nhận trách nhiệm về mình trong khi việc giải quyết cần có sự phối hợp giữa các ngành liên quan... Ngoài ra, còn một sự thiếu minh bạch khác rất khó kiểm soát là từ cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính. Một thành viên không “năng nổ” thì dễ dẫn đến chậm trễ cả một quá trình, và sự năng nổ đó đôi khi được định lượng bằng một giá trị vật chất nào đó để bôi trơn; hay có thể bằng một thứ “quyền lực mềm” nào đó xứng đáng để cán bộ giải quyết thủ tục hành chính an ủi rằng mình không có lỗi. Đây là thực trạng dễ khiến lời xin lỗi không kịp thời và thiếu chân thành, hoặc xa hơn là dễ gây đảo lộn quy trình giải quyết thủ tục hành chính mà người dân và cả cơ quan công quyền phải tuân thủ để công cuộc cải cách đạt hiệu quả.