Tấm lòng với đồng đội
Hơn mười năm nay, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Đãi và đồng đội đã trực tiếp tìm kiếm, kết nối thông tin xác minh đối chiếu giữa hồ sơ với phần mộ hơn 1.000 liệt sĩ, kết nối hơn 300 trường hợp với thân nhân liệt sĩ (TNLS) và có rất nhiều gia đình đã đưa liệt sĩ về với quê hương.
1. Cũng như bao lớp thanh niên ngày ấy, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai Nguyễn Tiến Đãi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ khi tuổi đời chưa tròn 18. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Nguyễn Tiến Đãi tiếp tục tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Camphuchia...
Do đặc thù của chuyên ngành, ông đã đi khắp các huyện của 11 tỉnh trên địa bàn Quân khu 5. Với vai trò Phó Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 31 Sư đoàn 2, ông cũng là người hàng năm cùng Ban liên lạc tổ chức đưa đón CCB về thăm chiến trường xưa; vận động từ nhiều nguồn hỗ trợ CCB có hoàn cảnh khó khăn; góp phần nâng cấp tôn tạo nhà bia tưởng niệm khắc tên 140 liệt sĩ của đơn vị đã hy sinh ở Hốc Thượng, Quế Trung (Nông Sơn).
Ông cùng với các CCB Đặng Ngọc Nga, Lê Thanh Hùng và thành viên trong “Đội xe máy nghĩa tình” (ở Hiệp Đức); Mai Xuân Hương, Đinh Hữu Hai (ở Quế Sơn); Nguyễn Phước Cương, Nguyễn San (Nông Sơn); Đỗ Thành Vinh, chủ doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Xuân Duẩn (Đà Nẵng)…, tự nguyện gắn bó và chung tay làm công việc tri ân với liệt sĩ, TNLS và người có công. Dấu chân các ông in trên mọi miền đất Quảng, đôi khi vượt xa ra các tỉnh thành khác để đưa liệt sĩ về quê.
2. “Đồng đội của chúng mình còn nằm lại ở đâu, khi chưa tìm thấy và kết nối được với thân nhân của họ, chúng tôi chưa được phép nghỉ ngơi”. Những lời tâm sự của các ông mà như một mệnh lệnh - mệnh lệnh của trái tim, một lời thề của người lính. Vận dụng “Sức mạnh tổng hợp” của từng thành viên trong từng hoàn cảnh để trợ giúp TNLS với tiêu chí “Việc làm phải cụ thể - thiết thực, cách làm phải thận trọng - tỷ mỷ - chính xác”. Ngầm chia việc cho nhau không cần văn bản, nhưng phối hợp rất nhịp nhàng đến từng chi tiết, tận dụng thế mạnh của từng người ở các vùng miền, cương vị, kinh nghiệm công tác của các thành viên đã từng chiến đấu, sinh sống để khai thác thông tin có hiệu quả.
Đã từng công tác ở Phòng Tác chiến Quân khu 5, CCB Nguyễn Tiến Đãi đã tích lũy được kinh nghiệm về bản đồ, địa hình, phiên hiệu, ký hiệu đơn vị, thời gian và vị trí đóng quân…, nên khi tiếp xúc, xác minh đối chiếu các thông tin trong hồ sơ của liệt sĩ và phần mộ ở thực địa rất nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, các thành viên cũng rất am hiểu địa bàn, lịch sử, địa giới nên việc phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị làm công tác chính sách luôn thuận lợi, vì vậy TNLS ở mọi miền đất nước luôn coi các ông là một “địa chỉ đáng tin cậy”.
Địa hình Quảng Nam rộng, phức tạp, nhất là vào mùa mưa lũ, nên họ đã bàn nhau chia thành từng nhóm, vận dụng tất cả phương tiện phù hợp với địa hình, nhằm đạt được hiệu quả công việc, giảm thời gian và chi phí thấp nhất cho TNLS. Tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin, nên việc xác minh, đối chiếu hồ sơ, phần mộ, hướng dẫn cho TNLS khá thuận lợi. Phải đến tận nơi để tiếp xúc hồ sơ, gặp gỡ trực tiếp nhân chứng theo cách “mắt thấy - tay sờ, khoanh vùng - thu hẹp và kết luận các nguồn thông tin”, vừa xử lý số liệu, đăng tải thông tin và hình ảnh lên mạng xã hội, trả lời email, tin nhắn và các cuộc điện thoại từ mọi miền, CCB Nguyễn Tiến Đãi tâm sự: “Gần 10 năm gắn bó với công việc, tiếp xúc với rất nhiều hồ sơ, thực hiện hàng trăm đợt tìm kiếm cùng TNLS nên tôi rất thấu hiểu hoàn cảnh cũng như nỗi khát khao của những giấc mơ đoàn tụ và sự hy sinh cao cả của họ. Do thời gian, điều kiện lưu trữ trong chiến tranh còn sơ sài, vì vậy mỗi bản vẽ, danh sách, biên bản bàn giao quy tập liệt sĩ…trên nền giấy phơ-lua mỏng manh đã úa màu luôn được nâng như nâng trứng, nhẹ nhàng lật mở, lần tìm những tia hy vọng. Trong máy tính lưu trữ phần mềm danh sách hàng chục nghìn liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường cùng các thông tin hỗ trợ khác. Phải là người trong “ngành” mới hiểu được những phiên hiệu, ký hiệu trong đó, có thể nói như một ma trận, phải mò kim đáy bể”.
3. Tìm kiếm liệt sĩ và TNLS gặp vô vàn khó khăn, nhưng không một đồng lương hay trợ cấp, không kể ngày đêm, mưa nắng, vùng núi cao hay biên giới… tốn khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Chi phí cho các chuyến đi được trích từ đồng lương hưu, đôi khi có sự hỗ trợ của vợ con, chứ kiên quyết không nhận bất cứ nguồn tài chính nào từ TNLS. Lật giở từng trang cuốn sổ cũ ghi chép rất cẩn thận về thông tin các liệt sĩ, CCB Nguyễn Tiến Đãi chia sẻ về các chuyến hành trình đầy ắp những kỷ niệm. Có khi từ những kỷ vật rất mong manh của TNLS cung cấp như những lá thư thời chiến tranh, hay chiếc dây thắt lưng có họ và tên được chôn cùng liệt sĩ, nhưng bị đạn địch bắn đứt đôi mất tên đệm, nên vừa xác minh vừa giám định AND phải mất đến 2 năm sau mới trả được danh tính đúng của liệt sĩ.
Hay như chuyện anh Vũ Duy Hùng ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) tìm mộ cha - nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 2 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 36 - hy sinh trong trận chống càn ngày 18.6.1968, được ông Nguyễn Hoan trực tiếp chôn cất ở vườn nhà thôn Trang Điền Nam, xã Đại Cường (Đại Lộc). Mất 5 năm đồng hành hỗ trợ tìm kiếm hồ sơ và phần mộ, đến ngày 18.9.2019 CCB Nguyễn Tiến Đãi và đồng sự cùng gia đình anh Vũ Duy Hùng mới hoàn thành tâm nguyện, đưa hài cốt liệt sĩ về quê trong một ngày nước mắt hòa lẫn nước mưa…
Cảm phục tấm lòng của các ông, một TNLS đã viết tặng: “Người ta siêu thị, nhà hàng/ Còn anh thì cứ nghĩa trang đêm ngày/.../ Cứ lặng thầm tìm bạn trong cỏ cây/ Những cái tên im lìm trong lòng đất/ Nghỉ hưu rồi các chú vẫn tất bật/ Làm việc quên thân, danh lợi cũng chẳng cần”…
Hay như chị Lê Thúy ở Hà Nội viết thư cảm ơn: “Gia đình vô cùng xúc động và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các chú đã tìm được phần mộ liệt sĩ Phan Tự Sểnh sau bao năm thất lạc. Tấm lòng cao cả của các chú đúng với bản chất Người lính Cụ Hồ”.
Còn anh Trương Minh Hảo từ Hà Tĩnh viết thư bày tỏ: “50 năm mới tìm thấy mộ bố cháu, như một giấc mơ! Các chú không vì bổng lộc, chức quyền, không vì lợi ích cá nhân”. Anh Hoàng Tiến Nam - con của liệt sĩ Huỳnh Thanh Phong (nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 2) đã xúc động viết: “Tôi thầm cảm phục họ, những con người luôn sống mãi với tình đồng đội - đồng chí và cao cả hơn là tình người. Trong lòng tôi, họ thực sự là những tượng đài”.