Cân nhắc sử dụng thuốc gây tê
Vụ việc 2 sản phụ tại TP.Đà Nẵng tử vong và nguy kịch nghi do thuốc gây tê sử dụng trong quá trình phẫu thuật lấy thai đang khiến người dân lo lắng... Nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho biết, lâu nay vẫn sử dụng loại thuốc gây tê này.
Cảnh báo
Thuốc Bupivacaine WPW Spinal 5,5% Heavy, xuất xứ từ Ba Lan được nghi ngờ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguy kịch và tử vong của 2 sản phụ tại TP. Đà Nẵng và 1 sản phụ tại Nghệ An. Sở Y tế Đà Nẵng sáng 21.11 đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn có dùng thuốc này tạm thời dừng lại, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, nhiều người dân vẫn lo lắng, hoang mang. Anh N.V.A. (trú phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) có vợ đang mang thai ở tuần thứ 38, cho biết hai ngày nay rất lo lắng cho quá trình sinh nở của vợ mình sắp tới. “Vì đứa con đầu sinh mổ nên khả năng mổ lấy thai lần 2 của vợ tôi rất lớn. Nhưng khi nghe được thông tin lô thuốc gây tê tủy sống có thể gây nhiều biến chứng trong thai sản khiến tôi hoang mang vô cùng. Không biết liệu các bệnh viện trên địa bàn TP.Tam Kỳ có đang sử dụng lô thuốc này không” - anh N.V.A. nói.
Bác sĩ Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho biết, bệnh viện đã mua đến 300 ống thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 5,5% Heavy nhưng chưa sử dụng. “Trước đây chúng tôi dùng thuốc gây tê của Pháp, nhưng phía cung cấp có thông báo với chúng tôi là nguồn thuốc này sẽ bị gián đoạn một thời gian, vì vậy bệnh viện đã chủ động mua dự phòng nguồn thuốc gây tê từ Ba Lan. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi có thông tin là trước đây ở một số tỉnh miền Nam đã có trường hợp biến chứng khi sử dụng thuốc này, thậm chí một số sở y tế của các tỉnh phía nam đã có văn bản cảnh báo. Do đó, chúng tôi quyết định dù đã mua nhưng không dùng” - ông Trần Công Ân nói.
Theo PGS-TS. Hồ Khả Cảnh - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức miền Trung - Tây Nguyên, đã có cảnh báo ngay từ đầu năm 2019, trong đó thông báo sau gây tê khá nhiều với chính loại thuốc Bupivacaine, và chính Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức ngay khi có cảnh báo từ ông Hồ Khả Cảnh đã quyết định không sử dụng loại thuốc này.
Nhiều bệnh viện sử dụng
Sở Y tế yêu cầu ngưng sử dụng thuốc Bupivacaine
Chiều 21.11, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, sở đã yêu cầu các đơn vị y tế công lập, bệnh viện đa khoa ngoài công lập trên địa bàn Quảng Nam ngừng sử dụng thuốc Bupivacaine trong thời gian chờ kết quả trả lời mẫu kiểm nghiệm thuốc này của Viện Kiểm nghệm Trung ương. Đối với trường hợp nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR Quốc gia, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, nhiều bệnh viện tại Quảng Nam từ khoảng tháng 8 đến nay vẫn sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 5,5% Heavy, xuất xứ từ Ba Lan này. Dược sĩ Huỳnh Thị Việt Trinh - phụ trách Khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (Tam Kỳ) cho biết, sau khi loại thuốc gây tê Marcain spinal Heavy 0,5% 4ml sản xuất Cenexi - Pháp bị đứt hàng, bệnh viện chuyển sang dùng loại gây tê Bupivacaine này. “Trong suốt quá trình sử dụng, bệnh viện không nhận thấy có vấn đề gì. Hiện tại lô Bupivacaine WPW Spinal 5,5% Heavy bệnh viện đã sử dụng hết từ cuối tháng 10. Đến tháng 11 chúng tôi gọi lại một lô thuốc gây tê mới từ nhà sản xuất Ba Lan với hoạt chất tương tự nhưng không phải tên thuốc biệt dược như vậy” - chị Huỳnh Thị Việt Trinh nói. Tuy nhiên, số lượng thuốc gây tê xuất xứ từ Ba Lan, Bệnh viện Thái Bình Dương không nhập về nhiều vì đây là nguồn thuốc “chữa cháy” trong lúc đợi nguồn hàng mới từ nhà sản xuất của Pháp.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lâu nay thuốc Bupivacaine WPW Spinal 5,5% Heavy cũng được sử dụng. Dược sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, đơn vị đang liên hệ với các công ty để tìm mua các loại thuốc khác thay thế loại này.
Ông Huỳnh Phước Nhất - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế cho biết, tuy Bupivacaine WPW Spinal 5,5% Heavy không nằm trong danh mục thuốc trúng thầu của Sở Y tế, nhưng hoạt tính gây tê của thuốc có nằm trong số các loại đang dùng. “Hoạt tính giống nhau nhưng tên thuốc biệt dược, nhà cung cấp thì khác. Riêng đối với các cơ sở y tế, lâu nay họ có nhu cầu sử dụng thì tự mua riêng” - ông Huỳnh Phước Nhất nói.