Lúng túng di dời trụ điện nông thôn

GIA KHANG 21/11/2019 11:20

Thị xã Điện Bàn hiện có 650 trụ điện và trụ viễn thông “lấn” đường bộ. Tuy nhiên, do những vướng mắc về cơ chế hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật giữa ngành điện và địa phương khiến nhiều trụ điện vẫn chưa được di dời.

Nhiều trụ điện vẫn chưa thể di dời được do địa phương thiếu kinh phí. Ảnh: G.K
Nhiều trụ điện vẫn chưa thể di dời được do địa phương thiếu kinh phí. Ảnh: G.K

Thiếu kinh phí

Hơn 9 năm nay, 32 trụ điện trên đường ĐT610B (đoạn qua thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) vẫn chưa được di dời. Người dân nơi đây cho biết, năm 2010, tuyến đường ĐT610B được nâng cấp mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 7,5m, dù đường đã hoàn thành nhưng hàng chục trụ điện (đường kính 20cm) vẫn còn nằm trên mặt đường, vị trí các trụ cách mép ngoài của mặt đường 0,2m – 0,5m gây mất mỹ quan, ảnh hưởng giao thông đi lại. Tại xã Điện Trung, ngoài tuyến đường ĐT610B, hầu hết các thôn còn lại đều có trụ điện nằm trên đường chưa di dời. Nhiều nhất là tuyến đường ĐH10 đoạn qua thôn Tân Bình hiện có 85 trụ điện cần di dời. Ngoài ra, các thôn Đông Lãnh, Nam Hà, Hòa Giang… cũng còn trên 120 trụ điện chưa thể di dời  sau khi nâng cấp mở rộng đường giao thông nôn thôn.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, trên địa bàn thị xã có khoảng 650 trụ điện cần di dời, chủ yếu tập trung ở 8 xã: Điện Tiến, Điện Phước, Điện Hồng, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung, nhiều nhất xã Điện Quang với 284 trụ. Tại một số nơi như xã Điện Thắng Nam, Điện Phước…, các trụ điện không chỉ nằm sát mép đường mà còn nằm trên mặt đường bê tông hoặc vườn nhà dân rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Điện Bàn cho biết,  tổng kinh phí di dời các trụ điện trên ước tính hơn 10 tỷ đồng, nên địa phương rất lúng túng vì không có nguồn. Vừa qua, Điện Bàn cũng đã gửi báo cáo cho UBND tỉnh kèm bản thống kê các trụ điện, trụ viễn thông cần di dời; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp phối hợp xử lý tình trạng này. “Điện Bàn không thể tự di dời, bởi ngoài kinh phí, vấn đề này còn liên quan đến các yếu tố về kỹ thuật như xin cắt điện, xe chuyên dụng của ngành điện… Mặc dù chưa gây ra tai nạn gì nghiêm trọng nhưng về mặt mỹ quan thì không đảm bảo, nhất là trong lúc mình phát động người dân giữ gìn cảnh quan môi trương, sáng, xanh, sạch, đẹp mà các trụ điện lại nằm như vậy thì trông sao được, nên mỗi lần họp cử tri cứ đề nghị miết” - ông Chơi chia sẻ.

Vướng cơ chế

Theo ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc Điện lực Điện Bàn, đơn vị đang thực hiện việc di dời theo Kết luận 316 của UBND tỉnh. Theo đó ngành điện sẽ hỗ trợ phần kỹ thuật, phương tiện, còn những vấn đề liên quan như vật liệu, công lao động phổ thông, vật tư thì địa phương chịu, nhưng đây là điều khó kể cả địa phương và ngành điện. Bởi, vấn đề này phải tuân thủ theo quy định từ trên xuống dưới của ngành điện, nhất là kinh phí, do đó bản thân đơn vị hay Điện lực Quảng Nam cũng không chủ động được. “Thời gian qua đơn vị cũng đã phối hợp với người dân di dời khoảng 30 trụ điện theo yêu cầu. Tuy nhiên về lâu dài, để làm căn cơ vấn đề này cần phải có sự đồng bộ và chỉ đạo xuyên suốt của ngành mới có cơ sở cùng với nhân dân thực hiện, đặc biệt là di dời các hạng mục phức tạp như trạm biến thế hay đường dây trung thế… Vì vậy, trước mắt địa phương trong quá trình lập dự án nâng cấp đường cũng nên đưa việc di dời trụ điện vào trong vốn mở đường mới giải quyết được, còn theo cơ chế hỗ trợ như Kết luận 316 như hiện nay thì rất vướng” - ông Sang nói.

Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong quá trình nâng cấp mở đường, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn tồn tại hàng nghìn trụ điện cần được di dời chứ không riêng Điện Bàn. Vì vậy, ngành công thương cũng như Điện lực Quảng Nam cần phối hợp với Sở NN&PTNT, đặc biệt là Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh để giải quyết di dời nếu không sẽ rất khó. “Hiện nay, chúng ta xây dựng nông thôn mới là xây dựng cơ sở hạ tầng nên đụng vấn đề giải phóng mặt bằng, trong đó có hệ thống điện. Trong khi nguồn lực của các địa phương rất mỏng, nguồn phân bổ của tỉnh thì hạn chế, do đó việc di dời các trụ điện ra khỏi phạm vi giải phóng hành lang để xây dựng cơ sở hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn” - ông Trung thừa nhận.

Cũng theo ông Trung, ngoài kỹ thuật, khó khăn nhất vẫn là kinh phí, do kinh phí chủ yếu phân bổ cho việc xây lắp các công trình hạ tầng chứ không có kinh phí để di dời các đường dây điện. Chưa kể, số tiền di dời hệ thống trụ điện và các đường dây điện cũng rất lớn nên các địa phương rất khó thể làm được, nên nếu ngành điện không có giải pháp, những vướng mắc này sẽ kéo dài.

GIA KHANG