Thảo luận Dự án hồ chứa nước Ka Pet và Cảng hàng không quốc tế Long Thành

VĂN HIẾU 20/11/2019 14:26

(QNO) - Sáng 12.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý nhiều nội dung về 2 dự án này.

Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị cần xem xét, nghiên cứu lại phương án trồng rừng thay thế của Dự án hồ chứa nước Ka Pet. Tổng diện tích dự án thu hồi là 693,31ha, trong đó diện tích có rừng là 680,71ha, đáng lưu ý là rừng đặc dụng 162,55ha, rừng phòng hộ 0,91ha, rừng sản xuất 471,09ha; tuy nhiên, qua xem xét phương án trồng rừng thay thế và qua kết quả khảo sát 11 ô tiêu chuẩn thì đã có tới 332 cây gỗ trong khu vực hồ chứa Ka Pet thuộc 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và 23 họ thực vật khác nhau. Trong đó, có 2 loài trong danh mục các loài thực vật quý hiếm của Sách đỏ Việt Nam; có 8 loài thuộc danh mục thực vật quý hiếm theo Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) gồm cày, gỗ trai, dầu trà beng, móng bò, tung, thành ngạnh và gỗ trắc. Đặc biệt gỗ trắc thuộc nhóm 2A có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ theo quy định trong Nghị định 06/2009 của Chính phủ.

Trong khi đó, phương án trồng rừng thay thế có tổng diện tích 1.941,69ha tại các vị trí gồm: 500ha thuộc Khu bảo tồn Cà Con trồng cây keo lai, 1.441,69ha tại Khu bảo tồn Núi Ông và 500ha rừng phòng hộ giáp ranh Lâm Đồng. Phương thức trồng rừng hỗn giao gồm bạch đàn và cây giáng hương. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ phương án trồng rừng thay thế, bởi lẽ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có mật độ cây rất dày, thảm thực vật đa dạng, phong phú.

Theo số liệu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chia ô tiêu chuẩn ở khu vực Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng, Ka Pet có trữ lượng gỗ bình quân 163,9m3/ha, khu vực bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có trữ lượng bình quân 192,9m3/ha. Như vậy, lượng gỗ rất lớn và thuộc rừng tự nhiên. Đây là rừng đặc dụng và phòng hộ nhưng trồng theo phương án chủ yếu là keo lai, bạch đàn. Đây là những loài sinh tồn, phát triển ở rừng sản xuất là chủ yếu, loại cây này muốn phát triển phải phát quang thì mới sinh trưởng và phát triển được. Nhưng diện tích nơi trồng thay thế chính ở khu bảo tồn thiên nhiên và các khu rừng đặc dụng, đây là khu rừng bảo tồn các cây này nên không thể phát quang để trồng các loại keo lai và bạch đàn, cho nên không phù hợp. Đặc biệt, keo lai và bạch đàn không thể thay thế cho những loại cây quý hiếm.

Mặt khác, tổng diện tích rừng tự nhiên bị chuyển đổi là 680,41ha. Khoản 1 Điều 21 của Luật Lâm nghiệp quy định chủ dự án được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng 3 lần diện tích rừng bị chuyển mục đích đối với rừng tự nhiên. Như vậy, việc chuyển 680,41ha rừng tự nhiên sang mục đích khác để làm lòng hồ thì diện tích rừng phải trồng thay thế tối thiểu là 2.041,23ha thì mới đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phương án trồng rừng thay thế này mới chỉ trồng 1.941,6ha, thiếu gần 100ha là chưa phù hợp với Luật Lâm nghiệp.

Trong dự thảo nghị quyết tại Điều 1 quy định chuyển mục đích 162,55ha rừng đặc dụng, trong khi đó tổng diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng là 680,41ha. Do vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị trong nghị quyết, cần phải bổ sung vào tổng diện tích là 680,41ha, trong đó rừng đặc dụng 162,55ha, rừng phòng hộ 0,91ha, rừng sản xuất 471,09ha và đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng 45,85ha để đồng bộ, đảm bảo sau khi nghị quyết thông qua thì địa phương không phải lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích rừng còn lại.

Liên quan đến sân bay Long Thành, đại biểu Phan Thái Bình cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ là giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khai thác một số hạng mục. Vì nhà đầu tư ACV đang có 95,4% vốn nhà nước, hiện quản lý khai thác 21/22 cảng hàng không trên toàn quốc, trừ Cảng hàng không Vân Đồn. Tuy nhiên, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị cần phải thực hiện nghiêm túc quy định trong Điểm a Khoản 3 Điều 4 của dự thảo nghị quyết về sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ, không tác động đến nợ công. Đây là vấn đề mấu chốt quyết định nhiều việc có hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng hay không.

Do vậy, để đảm bảo cho ACV tập trung vào các lĩnh vực này, trong thời gian tới Chính phủ, Quốc hội cũng cần có chủ trương xã hội hóa, mở cho các đơn vị khác tham gia đầu tư vào các sân bay hiện nay đang quá tải như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài... Đồng thời thu hút đầu tư của các nguồn vốn ngoài nhà nước vào các sân bay như Điện Biên, Chu Lai để đảm bảo cho các sân bay này được mở rộng, nâng cấp, giải quyết được vấn đề quá tải và đảm bảo cho ACV tập trung nguồn lực, năng lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của sân bay Long Thành đúng tiến độ và chất lượng.

VĂN HIẾU