Vì một Hội An không rác thải

KHÁNH LINH 20/11/2019 14:03

(QNO) - Tư vấn giải pháp, chia sẻ cách hạn chế rác thải nhựa… là một trong những việc làm dần mang lại hiệu quả được các tổ chức, chính phủ nước ngoài giúp TP.Hội An giảm thiểu rác thải nhựa.

Du khách nước ngoài tham gia dọn rác trên biển An Bàng, Hội An.
Du khách nước ngoài tham gia dọn rác trên biển An Bàng, Hội An.

Cộng đồng quốc tế chung tay

Bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 tấn rác được thải ra môi trường, gần 40% trong đó là rác thải rắn vô cơ. Con số này dự báo sẽ tiếp tục gia tăng những năm tới. Một số địa phương như Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ… lượng rác thải tăng cao qua từng năm.

Riêng tại TP.Hội An, nếu năm 2013, toàn thành phố phát sinh 24 nghìn tấn rác thải (66 tấn/ngày) thì năm 2018, lượng rác thải đã tăng lên 33 nghìn tấn (tương đương 92 tấn/ngày) và hiện tại đã ngấp nghé con số 100 nghìn tấn/ngày, hầu hết rác thải phát sinh từ hoạt động du lịch.

Rác thải nói chung, rác thải rắn nói riêng hiện trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp, chính quyền và nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước như UNESCO, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Quỹ Hanns Seidel - Cộng hòa Liên bang Đức (HSF)…

Tại TP.Hội An, những năm qua rất nhiều tổ chức, chính phủ nước ngoài đã tham gia tư vấn, hỗ trợ kinh phí cho các dự án xử lý rác thải.

Có thể kể đến như thành phố Naha (Nhật Bản) với dự án dự án “Giảm thiểu rác thải theo mô hình Naha tại TP.Hội An”, Hội vận động tái chế rác thải người dân Okinawa và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với chương trình “Chung tay hỗ trợ trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường”; UNESCO với việc tìm kiếm đối tác xử lý rác thải nhựa; Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) với dự án “Xử lý rác thải tại Cù Lao Chàm”…

Chủ yếu rác thải tại Hội An phát sinh từ hoạt động du lịch.
Chủ yếu rác thải tại Hội An phát sinh từ hoạt động du lịch.

Nổi bật phải kể đến dự án Nhà máy Xử lý nước thải Chùa Cầu, tổng kinh phí khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Qua một năm vận hành, dù chưa triệt để nhưng nhà máy cũng đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý nước thải, hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh Chùa Cầu và những vùng lân cận phố cổ.

Để Hội An trong lành hơn

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, đóng góp của các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài về môi trường cho Hội An rất quan trọng; đó không chỉ là tài chính mà còn là con người và kỹ thuật.

Đơn cử, dự án “Giảm thiểu rác thải theo mô hình Naha tại TP.Hội An”, qua 10 năm phía Nhật Bản đã giúp 13 xã, phường của Hội An thực thi nhiều chương trình như “Kế hoạch triển khai phân loại rác thải sinh hoạt trong thành phố; phát sổ tay hướng dẫn phân loại rác tại nguồn” đến các hộ gia đình; điều tra thành phần rác thải, tiếp thu năng lực giám sát tình trạng phân loại rác…

“Các chuyên gia Nhật Bản rất giàu kinh nghiệm về giảm thiểu rác thải kinh doanh và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm du lịch với mô hình cân nhắc về môi trường, vốn đã trở thành “thương hiệu” của đất nước này” - ông Sơn nhận xét.

Là thành phố di sản, việc đảm bảo môi trường trong lành cho Hội An không chỉ bảo vệ di sản mà còn giúp giữ gìn hình ảnh thành phố đẹp hơn trong mắt khách. Ông Pieter Debrine - Giám đốc Chương trình Du lịch bền vững, Trung tâm Di sản thế giới - UNESCO Paris nhìn nhận, sự tồn tại của danh hiệu di sản phụ thuộc vào cách ứng xử của cộng đồng địa phương và du khách tham quan đến Hội An. Vì vậy, vai trò của nhà quản lý và doanh nghiệp rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh lượng khách đến Hội An gia tăng. “Hội An phải nghĩ đến môi trường sống để gìn giữ và khẳng định những giá trị văn hóa riêng có của di sản” - ông Pieter Debrine nói.

Hạn chế rác thải tại các khu di sản Hội An đang là mục tiêu UNESCO hướng đến.
Hạn chế rác thải tại các khu di sản Hội An đang là mục tiêu UNESCO hướng đến.

Theo bà Trần Lan Hương - Điều phối bộ phận khoa học Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, trong những loại chất thải ra môi trường, rác thải nhựa nguy hiểm nhất vì khó tiêu hủy. Thống kê của Liên hiệp quốc cho biết, bình quân mỗi phút toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa và mỗi năm sử dụng 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần. Tương đương, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần bằng trọng lượng dân số toàn cầu.

Trong 50 năm qua, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm đến. Hiện, thế giới đang phải đối mặt với hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia thải rác ra biển cao nhất chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines, do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải hành động.

“Hạn chế rác thải nhựa ra môi trường tiến tới nói không với rác thải nhựa đang là mục tiêu UNESCO hướng đến, nhất là tại các di sản thế giới của Việt Nam, trong đó có Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Thời gian qua UNESCO đã triển khai nhiều dự án, hành động nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng, nhất là hỗ trợ thanh niên phát triển ý tưởng sáng tạo trong việc thu gom, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa và chất thải rắn, hướng đến di sản xanh sạch và an toàn” - bà Hương cho biết.

KHÁNH LINH