Thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Còn nhiều khó khăn
Đã hết thời gian vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế năm học 2019 - 2020, đối với sinh viên cũng sắp sắp kết thúc. Các trường cũng như địa phương nỗ lực vận động, nhằm tạo chuyển biến trong thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (BHYT HSSV).
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ngay từ đầu năm học mới, sinh viên Đặng Quốc Việt (quê Quảng Ngãi, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam) đã thông báo các khoản tiền phải nộp trong năm học cho cha mẹ. Trong đó có khoản tiền BHYT SV hơn 560 nghìn đồng (sau khi đã được Nhà nước hỗ trợ đóng 30%). Việt nói: “Khi tôi thông báo các khoản tiền phải đóng vào đầu năm học, cha mẹ bảo không cần tham gia BHYT do thấy tôi hiếm khi đau ốm. Thế nhưng tôi đã thuyết phục cha mẹ cần mua BHYT để giảm bớt gánh nặng khi ốm đau hay gặp bất trắc”.
Một yếu tố nữa, có nhiều trường hợp cha mẹ cho tiền đóng các khoản phí vào đầu năm học đầy đủ nhưng SV lại không nộp BHYT vì cho rằng không cần thiết. Đây là tâm lý khá phổ biến, nên nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học phải tăng cường tuyên truyền, vận động SV tham gia BHYT. Ông Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam cho biết: “Riêng SV năm nhất thì mọi khoản phải đóng vào trước khi nhập học, kể cả BHYT. SV năm 2, năm 3 tự nộp các khoản đóng góp khi cha mẹ đã cho tiền. Khó tránh khỏi những trường hợp các em không nộp BHYT, nên nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm phải tuyên truyền, vận động tham gia đầy đủ. Bởi SV khi đi thực tập, nếu chẳng may xảy ra tai nạn lao động dù nhẹ hay nặng, hay khi ốm đau, tai nạn trên đường đi học, nếu không có BHYT gánh nặng viện phí hiện nay rất lớn”. Ngoài việc tuyên truyền cho SV, nhà trường cũng tổ chức buổi họp phụ huynh đầu năm học, thông báo để phụ huynh biết các khoản nộp cho con em của họ. Đến nay đã có 408 SV trong toàn trường tham gia BHYT, với các mức đóng 9 tháng và 12 tháng và sẽ kết thúc thu vào cuối tháng 11.2019.
Cần ngành giáo dục vào cuộc
Đến hết tháng 10.2019, nhiều địa phương trong tỉnh có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt như Nông Sơn là 100%, Phú Ninh 99,9%, Núi Thành hơn 99%, Tam Kỳ hơn 94%, Đông Giang hơn 96%, Điện Bàn hơn 95%. Nhưng cũng có nhiều địa phương tỷ lệ tham gia rất thấp, như Bắc Trà My chỉ 45%, Hiệp Đức 30%, Phước Sơn 50%, Tây Giang 53%, Nam Trà My 64%, Thăng Bình 76%. Tổng số HSSV trong toàn tỉnh chưa tham gia BHYT còn hơn 27 nghìn người, khiến tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV toàn tỉnh chỉ mới đạt 90,1%. Bà Trần Thị Thu Hồng - Giám đốc BHXH huyện Thăng Bình cho hay: “Tỷ lệ HS trên địa bàn huyện tham gia BHYT còn quá thấp trong khi Thăng Bình là huyện đồng bằng, đời sống người dân không quá khó khăn đến mức không tham gia BHYT cho con em được. Nguyên nhân chủ yếu chưa có sự vào cuộc của ngành giáo dục huyện trong việc chung tay cùng ngành BHXH vận động HS tham gia BHYT. Chỉ một số trường có sự tích cực từ ban giám hiệu nhà trường thì tỷ lệ tham gia cao hơn, còn lại đều quá thấp so với mục tiêu phải đạt 100% HS tham gia BHYT. Chúng tôi đã cố gắng tham mưu UBND huyện có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng cục diện vẫn chưa thay đổi nhiều so với năm học trước khi chưa có sự phối hợp của ngành giáo dục”.
Từ đầu năm học mới, BHXH tỉnh cùng Sở GD-ĐT thực hiện nhiều giải pháp vận động HSSV tham gia BHYT. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo gửi đến các địa phương, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh vẫn chưa tạo được chuyển biến lớn. Ông Danh cho biết: “Đối với những đơn vị có tỷ lệ tham gia thấp, BHXH và Sở GD&ĐT sẽ đi thực tế kiểm tra. Nơi nào có sự phối hợp tốt của ngành BHXH với GD&ĐT, kết quả tham gia BHYT mới đảm bảo. Hiện nay tỉnh đang gặp vướng trong việc thanh toán số tiền trích lại cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các trường, chỉ mới chi được 15%, còn lại trên 4,4 tỷ đồng vẫn chưa chi được. Lý do vướng quy định của Nghị định 146/2018 là các trường không có nhân viên y tế có giấy phép hành nghề, quy định cụ thể về nội dung chi. Vấn đề này nằm ngoài phạm vi xử lý của BHXH tỉnh nên đã báo cáo UBND tỉnh có chỉ đạo chung để thực hiện”.