Tổng kết 15 năm Chỉ thị 32-CT/TW: Chuyển biến từ cơ sở

THÀNH CÔNG 19/11/2019 13:17

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, hoạt động này đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng. Nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hay với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả và thiết thực ra đời đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức hát bài chòi là cách làm sáng tạo của huyện Đại Lộc thời quan qua. Ảnh:T.C
Phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức hát bài chòi là cách làm sáng tạo của huyện Đại Lộc thời quan qua. Ảnh:T.C

Thay đổi cách làm

Ông Nguyễn Quốc Sử - Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ chia sẻ, trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, việc tập hợp người dân tham gia các hội nghị này ngày càng khó, người tham gia chủ yếu là cán bộ thôn, khối phố và người cao tuổi. Đối tượng cần tuyên truyền chủ yếu như thanh niên, phụ nữ… rất ít tham gia các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không cao. Không phải người dân không có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, mà việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền văn bản luật không giải đáp thấu đáo vướng mắc thực sự của người dân. Trước thực trạng đó, UBND TP.Tam Kỳ đã chỉ đạo cho Phòng Tư pháp và các cơ quan chuyên môn chuyển hướng tuyên truyền từ hình thức hội nghị sang hình thức tư vấn thủ tục hành chính, tư vấn pháp luật và đối thoại chính sách pháp luật. “Từ khi đổi hình thức, người dân đến rất đông, có những buổi cán bộ các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình trả lời không xuể ý kiến người dân. Bà con còn bày tỏ nguyện vọng được kéo dài thêm thời gian hoặc tổ chức thêm các buổi tuyên truyền. Cách làm này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa tốn ít kinh phí, đặc biệt là giải quyết được các vướng mắc pháp luật, thủ tục hành chính, nhất là ở vùng nông thôn, cho các đối tượng già cả, bệnh tật không có điều kiện đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết” - ông Sử cho hay.

Tạo được sự mới lạ, hấp dẫn luôn là động lực để các địa phương suy nghĩ, tìm tòi và đổi mới phương thức thực hiện Chỉ thị 32. Với huyện Đại Lộc, nhiều năm nay, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật qua hình thức hát bài chòi trở thành một “thương hiệu”của Phòng Tư pháp, thu hút hàng nghìn lượt người dân tham gia. Những câu hát bài chòi được sáng tạo chuyển tải nhiều điều luật có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống hàng ngày như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Giao thông đường bộ cùng các văn bản có liên quan đến an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới giúp bà con dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu. Chưa kể, càng về sau, mỗi ngành, mỗi địa phương càng có những thay đổi lớn về hình thức, nội dung tuyên truyền như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, hội thi sân khấu hóa, thi trực tuyến, tuyên truyền qua website, mạng xã hội facebook… Các hình thức tuyên truyền khác như “Mỗi tuần một điều luật”, “Phiên tòa giả định” mang đến một không khí khác, khẳng định được sức hút riêng đối với những tầng lớp cụ thể. Từ đó, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được nâng lên rõ rệt.

Tạo đột phá

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 32, Quảng Nam còn mạnh dạn đột phá khi thực hiện chủ trương “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả”. Với cách làm này, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí với mức 8 triệu đồng/xã đồng bằng, 9 triệu đồng/xã trung du và 10 triệu đồng/xã miền núi. Nội dung và nhu cầu tìm hiểu pháp luật sẽ được thực hiện dựa sát nhu cầu của người dân cơ sở, từ đó đề xuất, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, cấp tỉnh sẽ tuyên truyền, hướng dẫn theo yêu cầu. Cách làm này duy trì từ 3 năm qua đã thể hiện sự phù hợp với thực tế, mang lại kết quả tích cực; góp phần nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. “Với sự chỉ đạo tập trung của các cấp ủy, công tác này đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, xác lập trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức và xã hội. Đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch các chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin về pháp luật. Số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có sự chuyển biến lớn. Nhờ đó, tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân được nâng lên đáng kể” - ông Bùi Xuân Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nói.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 32, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, đây là thành quả mà cả hệ thống chính trị đã quyết tâm vào cuộc, trong đó ghi dấu ấn của từng cá nhân, từng đơn vị từ tỉnh đến cơ sở là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. “Thông qua hàng loạt văn bản chỉ đạo, từng địa phương, ban ngành đã có cách làm mới, bám sát thực tiễn, tạo được sức hấp dẫn, lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Với những cách làm đó, đã giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển Quảng Nam suốt thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, tồn tại dễ nhận thấy, còn có tình trạng đôi lúc, đôi nơi sự chỉ đạo chưa được tập trung, một bộ phận cán bộ đảng viên chưa gương mẫu trong việc thực thi, hay một bộ phận người dân còn coi thường pháp luật. Đây là vấn đề cần suy nghĩ, để từ đó có những giải pháp sâu hơn, cụ thể hơn, thực hiện hiệu quả hơn Chỉ thị 32 trong thời gian tới” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

THÀNH CÔNG