Đi cao tốc về mũi Cà Mau

TRUNG VIỆT 16/11/2019 21:05

“Mày đi bằng gì?”. “Chưa biết, có thể cao tốc hay bằng xe khách”. “Được, lượt đi bằng cao tốc sẽ thấy nhà cửa sông nước, về thì đi xe trong rừng đước, mắm. Thú vị đấy!”. Đó là lời của nhà văn Võ Đắc Danh nói với tôi, khi anh và người em ruột xem ra quá bận bịu với chuyến đi của tôi về quê anh, cứ liên tục điện thoại hỏi.

Phụ nữ lái vỏ lãi là hình ảnh quen thuộc vùng sông nước Cà Mau.Ảnh: T.V
Phụ nữ lái vỏ lãi là hình ảnh quen thuộc vùng sông nước Cà Mau.Ảnh: T.V

1. Đồng nghiệp cùng cơ quan bàn với tôi: “Nếu đi và về bằng cao tốc, sẽ rút ngắn thời gian, tụi mình còn tùm lum chuyện. Đi xe bus từ thành phố Cà Mau về Đất Mũi là 4 tiếng, chứ cao tốc chừng 2,5 tiếng đồng hồ. Ai ngờ, tối đó nhậu, anh Thủy phóng viên Đài Truyền hình Cà Mau và anh Nha, xuất thân dân làm báo Văn nghệ Minh Hải, cản, ý rằng mày đừng có dại, bây giờ ai đi cao tốc nữa! Nhưng thời gian là vàng bạc, khổ lắm nạn làm báo tết, năm nào cũng đèo bòng, vả lại về Cà Mau mà không lênh đênh sông nước, thà đừng đi.

Bà chủ nhà trọ xem ra rành: “Em đi chuyến 6 giờ sáng nghen”. Sáng, 5 giờ, hai thằng lục đục mò dậy đi bộ hơn 1km đến bến ở phường 6 (TP.Cà Mau), vừa mở miệng thì cô chủ quán cà phê cười: “Chuyến 6 giờ dẹp từ lâu gòi anh ơi, 8 giờ 30 mới chạy”. Mẹ cô chủ quán nhanh miệng: “Hai cưng vô ngồi cà phê đi”… Từ chỗ ghế ngồi đến chỗ ca nô đậu, tôi đếm 4 bước chân. Những chiếc tàu cũ kỹ, trầy trụi bập bềnh theo con nước đang liếm tràn lên bờ. Tàu đi Ông Trang, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn, Trần Văn Thời, bảng đậu đánh dấu nơi tàu nào đi, đi đâu, bằng cái bảng con học trò, dán trên bê tông ngay mép nước. Làm du lịch kiểu này, coi bộ ất ơ quá.

Ơ, mà đây là bến tàu hàng như xe khách chứ phải bến du lịch đâu. Chủ quán quá dễ chịu, kể bao chuyện, rằng ở đây bán cũng được, ở thành phố nhưng là dân quê, làm ăn đủ sống quanh năm chứ chẳng khá giả chi. Dân miền Tây mà, được chăng hay chớ. Sau, khi tôi về ngay Đất Mũi, chỗ có tấm bia cuối cùng khắc dựng điểm chót của đường Hồ Chí Minh, cũng là điểm chót của quốc lộ, rồi mũi con tàu có ghi tọa độ 001 mà ai đến đó cũng muốn chụp cái ảnh, thú thiệt thất vọng cho cách làm du lịch. Nơi nghỉ không có. Bãi đậu xe tuềnh toàng, nhà cửa lỏng chỏng. Cả huyện Ngọc Hiển, đến giờ vẫn chưa có bến xe trung tâm. Tầm 5 giờ chiều trở đi, ai muốn về TP.Cà Mau bằng xe khách, thì xin mời đi xe ôm 50km mới có xe ở Năm Căn…

Nhà trên sông Cà Mau.Ảnh: T.V
Nhà trên sông Cà Mau.Ảnh: T.V

2. Bến tàu thưa khách. Đủ thứ hàng hóa được đưa lên. Tàu như cái ca nô đi Cù Lao Chàm. Giọng Cà Mau cũng không khác chi những tỉnh miền Tây, mà hình như trọng âm nhẹ hơn thì phải, họ nói từ từ, như cố kéo rê chữ ra, í ới gọi nhau tới giờ chạy rồi. Đến lượt mình đi. Ca nô 10 ghế, nhưng chỉ có 8 người. Đây là sông Gành Hào chảy từ Bạc Liêu lên, rồi đổ ra biển. Cây mắm, đước, vẹt mọc thành rừng hai bên bờ. Tất nhiên, nhà chồ không thiếu. Cứ chốc chốc, tàu dừng. Những bến đón khách, trả khách hai bên bờ như chỗ dừng xe bus. Mỗi khi sắp vào bến, ca nô kéo một hồi còi báo hiệu. Tôi đếm từ đây đến bến tàu Đất Mũi, ca nô 4 lần chạy lui, lý do đơn  giản là, rác quấn chân vịt, đánh lui là nó nhả ra. Dân sông nước với nhau nên… hiểu hàng, mỗi khi gặp vỏ lãi chở vật liệu loại khẳm be đi cùng chiều, tài công ca nô lại hạ ga hết mức để sóng khỏi nhấn chìm chiếc kia, như là quy ước thân thiện và bắt buộc thành quen.

Lâu rồi tôi đọc đâu đó người ta khen con gái miền Tây lái ghe xuồng không thua đàn ông, thì phen  này mới mục sở thị. Lúc ca nô vừa ghé bến Chà Là ra, thì cái rẹt, một chiếc vỏ lãi trên đó là một đứa con nít, mẹ cầm lái, xé nước lao tới, tôi trố mắt kinh ngạc, nó chạy y như tàu cao tốc của đặc nhiệm hải quân Mỹ rượt tội phạm trên phim kênh HBO. Rẹt, xèo, rầm rầm. Sóng đánh tứ tung. Người đàn bà sông nước miền Tây, giỏi như phụ nữ miền Trung trên ruộng. Tôi đã gặp khá nhiều, họ lặng lẽ làm lụng, chịu đựng, tánh tình dễ chịu, lành hiền như đếm. Họ ở miền Tây hay lên Sài Gòn, nét quê vẫn thế. Nỗi cơ cực áo cơm hay có lên đời đi nữa, lòng họ vẫn chân thành, sâu thẳm.

Hai bên bờ, nhà như những tấm, những đụn gác lên những hàng cây chống. Cũng sửa chữa đồ điện, hớt tóc, bán tạp hóa, làm mắm, những vựa hải sản ken dày nối nhau. Con sông không rộng, đẫm phù sa còn lại của mùa nước nổi vừa dứt. Hai phụ nữ đi cùng, quê ở Đất Mũi. Họ đi làm mướn ở thành phố, rửa chén bát cho một nhà hàng, lương 4 triệu đồng một tháng. Vậy vẫn hơn ở quê, giờ có biết làm gì ra tiền. Bữa này đám cưới cháu, nên họ về vài bữa rồi lên. Nét lam lũ, đen cháy hiện lên trên mặt. Tôi nghe họ bàn chuyện ông chủ khó tánh nhưng bà chủ dễ chịu, thôi ráng làm. Tính ra, hai người đi và về hết 480 nghìn đồng. Đâu có ít. Một người chỉ tay vào xóm nhà khuất sau hàng đước ken dày: “Cưng nhớ nhỏ Thanh ở đằng kia không?”. Người kia gật “tội nghiệp!”.

Không bỏ được thói quen, tôi xen vô hỏi, thì chị kể rằng nó cũng đi làm ở Sài Gòn, bữa về gặp gió xoáy, chìm xuồng, dân sông nước mà hoảng, đuối nước chết, bỏ lại ba đứa con. Bữa đi đám ma, anh chồng bám  vai chị khóc, thôi từ đây con cái bỏ học. Cùng cảnh nghèo cả, chỉ có nỗi tiếc thương tràn mi chứ có ai giúp được gì… Tôi nghe rồi nhìn con nước trôi xuôi, nhớ thơ Hoài Khanh “tôi đứng bên này bờ dĩ vãng/ thương về con nước ngại ngùng xuôi”, nghĩ đến những chuyến đi định mệnh. Số phận là thứ không ai nói trước được, nhưng kỳ quặc, những cú xô đầy sinh tử sao cứ nhắm vào người nghèo. Thì đó, đường phố xe cộ bất an, những chuyến tàu bão dạt trôi trên biển, những cú qua sông rách toạc cơn mơ, toàn dân nghèo. Sự an toàn với họ mỏng và tỷ lệ thuận với phận số èo uột áo cơm.

3. “Có cao tốc về lại Cần Thơ không?”, bạn tôi hỏi. Chị cười: “Không biết cưng ơi”. Hỏi tài công thì mới hay, muốn đi lui như thế này về bến Ninh Kiều ở Cần Thơ, phải qua Sông Đốc (Kiên Giang) mới có. Sóng ầm ầm xô những vỏ lãi, trên đó là những cặp vợ chồng cắm sào gần bờ và thả lưới, đáy. Nhà cửa thưa vắng. Chỉ có cây rừng trầm mặc, xanh nỗi u hoài. Đã bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu con nước lớn nước ròng, sông vẫn chảy đời sông, người nối người bám sông bám thuyền mà sống. Thú thiệt, những ước muốn mang tính cảm xúc thôi thúc rằng mình sẽ sống như thế này thế kia ở nơi nào đó mà mình thấy càng đơn giản càng tốt, hình như với người thành phố, chẳng qua là nói cho vui, bởi họ quen, đã đẫm mình trong tiện nghi, thiết bị, giao thiệp, nhu cầu này nọ. Tôi đã thử ở một lần trên núi vài ngày, nhưng khi cảm xúc đi qua, lại muốn quay về. Dần rồi nó sẽ quen. Câu nói này chỉ có lẽ hợp với hoàn cảnh không thể khác, chứ nó không giống như phát ngôn thỉnh thoảng lại nghe ở những người nói rằng, mình đã chứng ngộ Phật pháp, mình đang thiền. Không cần phải cãi, cứ theo dõi hành vi của họ, không đầy một sát na sau đó, không ai sân hận bằng họ; không cần phải viện dẫn công án để chứng minh họ chẳng qua trà nước cho vui…

Tôi nghĩ đến chuyện này, bởi những nông dân miền Tây tôi đã gặp, họ không nói chi nhiều, nhẫn nhịn sống với ruộng đồng ngày một cằn khô, cá tôm ít, mặn ngập tứ bề, nhưng xong một ngày, rượu được bày ra, và chuyện  trên trời dưới biển lai láng như chưa từng biết đến khổ cực là gì. Lớp người đó còn nguyên, đi qua sinh tử như mình buộc phải đi dưới ánh mặt trời. Y như những người đàn bà đàn ông miệt xứ cuối cùng trên dải đất hình chữ S này đang  ngồi trên ca nô, nhìn đước và nước lênh láng, im lặng như lẽ đương nhiên, có gì đáng nói đâu,vui hay buồn, khổ hay sướng, thảy là máu thịt…

“Hai anh đi đến đâu?”, tài công hỏi khi trên ca nô còn ba người. Tôi nói và anh à lên: “Ở xa thế à, cứ ghé bến chợ, kiếm chỗ nghỉ nghen, vui nghen”. Tầm 10h30, đến đoạn sông Rạch Tàu, lòng sông mở rộng ra thênh thang, nhà cửa hai  bên bờ dày đặc; trên lộ xe chạy ầm ầm, ngó ngược lên thì thấy tấm biển lớn  Trường Tiểu học Đất Mũi. Bụng bảo dạ, tới rồi. Ba lần đi Cà Mau, lần này mới tới được Đất Mũi. Có gì đó xôn xao trong tôi, như thể sắp gặp tri kỷ rượu chè đang chờ. Ca nô cập bến. Ngó lên, chợ Đất Mũi ở ngay trước mặt. Triều lên, nước tràn lên đường. Từ đó, phóng tầm mắt vượt qua rạch Vàm Xoáy, là Biển Đông đang thúc những cơn sóng khiến dân Rạch Gốc chạy trối chết vì lở nhà…

TRUNG VIỆT