Hành động để chấm dứt bạo lực

DIỄM LỆ 15/11/2019 13:22

Sáng nay 15.11, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Phú Ninh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là dịp để các cấp, ngành, địa phương có những hành động quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện trong tháng cao điểm. Ảnh: D.L
Truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện trong tháng cao điểm. Ảnh: D.L

Thực trạng đáng lo ngại

Trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, thường không thể nào tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh. Nhưng cao điểm của những mâu thuẫn gia đình lại dẫn đến những vụ ly hôn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, những vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình (BLGĐ) hậu quả để lại nặng nề nhất chính là những người phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu.

Bà Võ Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã Điện Bàn thông tin rằng, ở địa phương, những vụ ly hôn liên quan BLGĐ chiếm phần lớn. Bà Thủy cho biết: “Từ BLGĐ dẫn đến ly hôn thì người chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các cấp hội phụ nữ vẫn thường xuyên tuyên truyền, xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, vận động các cặp vợ chồng tham gia vào câu lạc bộ để xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội đã xây dựng được 25 mô hình và 60 địa chỉ tin cậy tại các xã, phường, là nơi lánh nạn cho người bị bạo lực, được hỗ trợ kịp thời. Đối với nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng, Hội LHPN thị xã kiến nghị Tòa án nhân dân thị xã xét xử lưu động, nhằm răn đe trong cộng đồng, phòng ngừa qua vụ việc cụ thể. Trong thực tế, tuyên truyền phòng chống BLGĐ chủ yếu phụ nữ vào cuộc, nam giới tham gia rất ít. Để cải thiện vấn đề này cần sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là nam giới để phòng ngừa tốt hơn”.

Tổng hợp từ Sở VH-TT&DL cho thấy, 10 năm thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ (2008 - 2018), viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiến hành thụ lý 278 vụ án hình sự và 2.046 vụ việc dân sự có liên quan đến hành vi BLGĐ. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý, giải quyết 2.919 vụ án liên quan đến BLGĐ. Từ đầu năm 2015 đến tháng 6.2019 có 7.995 vụ ly hôn, phần lớn liên quan đến BLGĐ khiến 6.239 trẻ em bị ảnh hưởng cuộc sống khi cha mẹ ly hôn. Số vụ ly hôn mỗi năm đều tăng lên, trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc sống gia đình không trọn vẹn dễ khiến các em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc hư hỏng, không nhận được sự giáo dục trọn vẹn.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Công tác bình đẳng giới (BĐG) hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm thường xuyên nên chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách luật pháp của Đảng, Nhà nước liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý còn thấp so với quy định của Trung ương, chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng nữ trong tỉnh. Việc lồng ghép mục tiêu BĐG với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương còn hạn chế; định kiến giới còn tồn tại trong nhân dân và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, bản thân một số cán bộ nữ sống trong khuôn phép gia đình, an phận, chưa thực sự cố gắng vươn lên nên khó khăn cho công tác đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ; tình trạng BLGĐ, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn xảy ra, thậm chí âm ỉ khó phát hiện.

Trong tháng hành động, Sở LĐ-TB&XH tổ chức các cuộc đối thoại điểm tại một số địa phương như Điện Bàn, Hiệp Đức về thực hiện công tác BĐG ở cơ sở, lắng nghe ý kiến của những người trực tiếp làm công tác này ở địa phương. Các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, dẫn đến những hành động thiết thực nhằm thực hiện các mục tiêu BĐG. Trách nhiệm hành động vì BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ cần được xem là của cả hệ thống, toàn xã hội. Cần có sự vào cuộc của xã hội nhằm lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang được thực hiện trong từng khu dân cư là thế mạnh để xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Vì thế, nội dung BĐG cần được lồng ghép tuyên truyền, đưa vào trong hương ước, quy ước khu dân cư để người dân theo dõi và thực hiện sẽ nâng cao hiệu quả.

DIỄM LỆ