Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Phan Việt Cường: "Cần tạo đột phá phát triển kinh tế biển"

DƯƠNG LÊ 15/11/2019 12:21

Phát triển kinh tế biển đang là mối quan tâm của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung nói riêng. Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến kinh tế biển. Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi bên hành lang kỳ họp, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã đề xuất nhiều nội dung rất tâm huyết về các giải pháp có tính đột phá trong thời gian tới.

Cảng Chu Lai - Trường Hải (Núi Thành). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cảng Chu Lai - Trường Hải (Núi Thành). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

 Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”. Theo đại biểu Phan Việt Cường, có thể nói, tiềm năng kinh tế biển của nước ta rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề hệ lụy trong xã hội của vùng ven biển cũng đã nảy sinh nhưng chưa có cách giải quyết thấu đáo, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát biển bền vững kinh tế biển. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương, một trong những tiềm năng cần sớm được khai thác để tạo mũi đột phá là đẩy mạnh phát triển ngành logistics, vì đây là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa phát huy đúng mức lợi thế của ngành logistics. Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức hiện nay của ngành dịch vụ này?

Đại biểu Phan Việt Cường: Ngành logistics Việt Nam còn quá nhiều bất cập, hạn chế, đó là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu kết nối; các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này đa số có quy mô nhỏ, ứng dụng thông tin chưa cao, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng;  giá dịch vụ logistics của Việt Nam còn khá cao, cao hơn cả các nước trong khu vực; sự liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics chưa chặt chẽ… Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia có tên tuổi đã và đang xâm nhập hiệu quả thị trường Việt Nam, chiếm phần lớn thị phần trong nước. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp logistic còn non trẻ của  nước ta. Trong xu hướng đất nước mở cửa hội nhập sâu rộng, quy mô nền kinh tế ngày càng được nâng lên, tôi nghĩ Chính phủ cần tập trung khơi dậy và có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển ngành này.

Vậy theo ông, làm thế nào để ngành logistics Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế?

Đại biểu Phan Việt Cường: Để kinh tế biển phát triển bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, theo tôi, Quốc hội, Chính phủ cần dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành dịch vụ logistics nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra của Chính phủ tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14.2.2017. Trong đó, trước hết Chính phủ cần tập trung chỉ đạo rà soát, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến ngành dịch vụ logistics phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước, hiệp định mà Việt Nam tham gia làm thành viên. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển. Cùng với đó, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics trong nước phát triển, như hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu; chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics…

Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch vùng ven biển. TRONG ẢNH: Khu vui chơi VinpearlLand.Ảnh: T.L
Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch vùng ven biển. TRONG ẢNH: Khu vui chơi VinpearlLand.Ảnh: T.L

Hai là đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối cao giữa đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Hiện nay, hệ thống đường sắt chưa được đầu tư gắn kết với các cảng biển, các khu kinh tế, mặc dù quy hoạch đã có. Hệ thống đường bộ cũng cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng tương xứng với tốc độ phát triển của các cảng biển. Doanh nghiệp logictics khó có thể cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh khi mà tình trạng kẹt xe trầm trọng tại các cửa ngõ ra vào cảng, khi mà phí đường bộ còn cao, các đơn vị vận chuyển chọn đi đường vòng để giảm chi phí thay vì đi cao tốc để rút ngắn thời gian… Chính phủ cũng cần sớm ban hành cơ chế đầu tư hình thành các khu phi thuế quan, kho ngoại quan để thu hút hàng hóa các nước nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây qua các cảng biển, đặc biệt là tại các địa phương có lợi thế phát triển cảng biển nước sâu nhưng chưa có sức hút về kinh tế như khu vực miền Trung.

Khu vực duyên hải miền Trung có tiềm năng lớn về kinh tế biển. Ông có khuyến nghị gì để thúc đẩy kinh tế biển ở khu vực này phát triển?

Đại biểu Phan Việt Cường: Miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, với chiều dài đường bờ biển 1.900km/3.260km đường bờ biển Việt Nam, không kể các đảo; là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Để kinh tế biển miền Trung bứt phá phát triển, tiến mạnh ra biển, tạo thế và lực nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, theo tôi Chính phủ cần tập trung cải cách thể chế, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay liên quan đến kinh tế biển nhằm tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế biển miền Trung nói riêng. Thể chế nào cản trở, cần phát hiện, kiến nghị sửa chữa nhanh, tạo sự thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển mạnh dịch vụ logistics, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng, nếu chậm trễ sẽ tụt hậu và miền Trung sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, khó có thể vươn lên cùng hai đầu đất nước.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng quy hoạch vùng, liên kết vùng trong tổng thể nhằm phát huy được thế mạnh của từng tỉnh trong khu vực miền Trung, tránh cạnh tranh triệt tiêu nguồn lực đầu tư và hạn chế phát triển. Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn, như dịch vụ xuất - nhập khẩu; dịch vụ biển, cảng biển; dầu khí, vận tải; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển; du lịch đa ngành gắn với logistics; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao... Cùng với đó, nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho kinh tế biển, có chương trình dự án và cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế biển.

Đáng chú ý, đầu tư vào khu vực ven biển thì phải thu hồi đất để thực hiện các dự án lớn. Theo đó, Chính phủ phải chỉ đạo và kiên quyết thực hiện các dự án thu hồi đất của dân công khai, minh bạch trên tình thần vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng. Chính sách bồi thường, giải tỏa, hỗ trợ cho người dân phải nhất quán và đúng quy định pháp luật, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, chống móc ngoặc trục lợi chính sách. Một vấn đề quan trọng nữa, cần tăng cường  lực lượng, phương tiện cho hải quân, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh để ngư dân yên tâm, vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản, góp phần canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Là địa phương có hơn 125km bờ biển, Quảng Nam cũng đã sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, trong đó các nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam đang được triển khai rất quyết liệt. Xin ông nói rõ hơn quan điểm phát triển khu vực này?

Đại biểu Phan Việt Cường: Trong những năm qua, Quảng Nam chủ trương đầu tư, thúc đẩy khu vực vùng Đông của tỉnh phát triển nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng kinh tế biển ở khu vực này. Đây là chủ trương lớn của tỉnh và thời gian qua cũng đã chứng minh đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình thực tế của khu vực này. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, sẽ có nhiều biến động, thay đổi, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất và tâm tư của người dân.

Dự báo và lường trước những vấn đề nêu trên, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, nhiều cơ chế chính sách đối với người dân khu vực này cũng được ban hành nhằm hỗ trợ ổn định cuộc sống, sản xuất; trong đó, chủ trương trồng rừng mới thay thế diện tích đã bị tác động cũng được thực hiện nghiêm túc. Tỉnh chủ trương, mỗi héc ta rừng (chủ yếu là rừng dương) bị phá đều được quy hoạch trồng lại, đảm bảo diện tích 3.266ha rừng phòng hộ đã được quy hoạch không bị sụt giảm. Đa số người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển du lịch, dịch vụ ở khu vực ven biển đều đồng tình, ủng hộ chủ trương của tỉnh, vì thấy được hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển ở khu vực này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn không tránh khỏi những bất cập, hạn chế; vì vậy, Đảng bộ và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã và đang tập trung chỉ đạo từng bước khắc phục.

Chúng tôi rất cần sự chung tay, góp sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để hiện thực hóa giấc mơ bao đời nay của người dân Quảng Nam, làm sao để vùng Đông Quảng Nam phát triển, làm sao để Quảng Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG LÊ