Gập ghềnh đường đến Tiên Hà

HOÀNG LIÊN 14/11/2019 10:10

Đường đến xã Tiên Hà (Tiên Phước) còn lắm gập ghềnh bởi nhiều đoạn, tuyến giao thông qua địa phận xã và đi vào nhiều thôn còn nhếch nhác, xuống cấp nặng nề, cần sớm nâng cấp đồng bộ, phục vụ dân sinh.

Gian nan, gập ghềnh đường đến trung tâm xã Tiên Hà. Ảnh: H.LIÊN
Gian nan, gập ghềnh đường đến trung tâm xã Tiên Hà. Ảnh: H.LIÊN
Đi lại khó khăn

Tuyến đường ĐH (đường huyện) từ ngã ba Tiên Cẩm (xã Tiên Cẩm) đi xã Tiên Hà trải dài mấy chục cây số,  song có tới hơn 4km qua thôn Trung An (sáp nhập Tú An và Trung An) bị hư hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Lưu thông qua đoạn đường dài hơn 4km này, ai nấy không khỏi ám ảnh bởi nhiều đoạn nhựa đường đã bị bóc tách, bong tróc, nứt nẻ, có đoạn toàn ổ gà, ổ voi, nhiều đoạn lộ thiên đá, sỏi nham nhở. Có đoạn hai xe máy đi ngược chiều buộc một trong hai phải nhường đường. Không chỉ đường gập ghềnh, khó đi, nhiều đoạn khúc khuỷu rất dễ dẫn đến va chạm, mất thăng bằng.

“Ở đây ai không quen đường đi rất nguy hiểm. Chạy chậm dò đường từng chút chứ sơ hở là tai nạn, té ngã. Gặp ô tô hay xe chở keo phải lo tìm nơi tránh. Buổi sáng và chiều, sắp nhỏ đạp xe đi học mà tôi lo lắm” - một người dân thôn Trung An nói.

Ông Lưu Công Sự (thôn Trung An) cho hay: “Cứ lụt tới là đường tiếp tục hư. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết”.

Còn theo lời bà Nguyễn Thị Lân, bà Nguyễn Thị Thúy Nguyệt (tổ đoàn kết số 4, số 5, thôn Trung An) thì Tiên Hà có xe khách lên hằng ngày, nhưng nay xe khách bỏ dần không lên nữa vì đường hư hỏng, nhà xe không đủ tiền dầu và khấu hao.

“Ở đây người lớn tuổi muốn đi đâu cũng khó, phải nhờ con cái chở mà đường gập gềnh cũng khổ. Nông sản làm ra khó bán vì đường hư và xa xôi quá. Bà con ở đây ai cũng mong Nhà nước sớm mở rộng, nâng cấp đường để bộ mặt làng quê khởi sắc. Đường sá thuận lợi thì mới phát triển kinh tế được” - bà Nguyệt nói. 

Cần sớm đầu tư

Thôn Trung An không chỉ có mấy cây số đường ĐH trải dài nói trên, mà còn nhiều tuyến đường giao thông nông thôn dẫn từ đường chính vào các các khu dân cư, tổ đoàn kết cũng hư hại, xuống cấp nặng. Có thể kể tới tuyến Trung An - Phú Vinh, Trung An (Tú An trước kia) kéo dài tới giáp xã Tiên Cẩm, nhiều đoạn còn là đường đất sình lầy.

Bà Nguyễn Thị Tri (thôn Trung An) cho hay, đường từ tuyến ĐH vào khu dân cư tổ số 5, số 6, chỉ có một đoạn bê tông còn lại nhiều cây số đường đất. Chị Võ Thị Kỷ (40 tuổi, thôn Tú An, nay sáp nhập vô thôn Trung An) kể: “Ngày trước, bê tông dẫn từ đường chính vào khu dân cư này dù nhỏ nhưng cũng dễ đi. Nay đường mở rộng nhưng vẫn còn là đường đất, mỗi khi mưa xuống đi lại vô cùng khó khăn” - chị Kỷ nói.

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết, trước đây tuyến đường từ ngã ba Tiên Cẩm đi Tiên Hà là đường ĐH, nhưng nay huyện Tiên Phước đã kiến nghị tỉnh xếp vào đường ĐT 615 nối dài. ĐT 615 là tuyến từ ngã ba Kỳ Lý đi ngã ba Tiên Cẩm, rồi đoạn từ ngã ba Tiên Cẩm đi Tiên Hà là đoạn ĐT 615 nối dài. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có quy hoạch chứ chưa có quyết định của tỉnh công nhận đây là đường ĐT. Tuyến này có thể đi Nông Sơn - Hiệp Đức - quốc lộ 14E - Quế Thọ (Quế Sơn). Nếu tuyến này được kết nối, liên thông, sẽ tạo động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Mỗi năm, huyện chỉ duy tu, bảo dưỡng tạo điều kiện cho người dân đi lại tạm; còn lại chờ ngân sách tỉnh bố trí kinh phí xây dựng, nâng cấp đường và hạng mục này đã được bổ sung vào danh mục vốn đầu tư trung hạn.

Cũng theo ông Dũng, theo mục tiêu đề ra, xã Tiên Hà phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, hiện còn 15/19 tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó có tiêu chí giao thông. Đây là tiêu chí đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi đó nguồn ngân sách đối ứng huyện, xã và nguồn xã hội hóa trong dân còn hạn hẹp.

HOÀNG LIÊN