Lên vùng cao vui hội đoàn kết
Xúng xính trong những bộ trang phục thổ cẩm, bà con ở thôn A Xờ (xã Mà Cooih, Đông Giang) lũ lượt về gươl. Thắm trong những nụ cười chan chứa ân tình của người vùng cao là không khí mộc mạc mà đầy ấm áp của ngày hội kết đoàn.
Trong mái gươl làng
Mưa rét không ngăn được những bước chân háo hức về với ngày hội làng. Trước sân khấu được trang trí đơn sơ nhưng đủ đầy, những thiếu nữ Cơ Tu nhịp nhàng theo điệu múa. Tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của chính bà con trong thôn làm ấm thêm không gian của ngày hội, bà con ngồi chật kín dưới gươl làng, vỗ tay theo từng nhịp múa. Những đôi mắt ánh lên niềm háo hức. Chương trình lễ hội giản đơn, nhưng sự mộc mạc lại mang về một sắc màu rất khác trong ngày hội kết đoàn ở vùng cao. Ông Arất Bốn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Mặt trận thôn ôn lại đôi điều về truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhắc nhiều hơn về truyền thống cộng đồng của bà con Cơ Tu, về những câu chuyện của làng mình. Sáp nhập lại từ hai thôn A Sờ và A Bông của xã Mà Cooih, toàn thể bà con trong làng vẫn một lòng gắn bó, như người uống chung một nguồn nước, thờ chung một mẹ rừng.
Sau phần báo cáo ngắn gọn từ người chủ trì ngày hội, bà con nói với nhau bằng tiếng Cơ Tu, góp thêm nhiều ý kiến cho Mặt trận thôn về chuyện giúp hộ nghèo, kêu gọi cùng nhau thực hiện các công trình chung cho làng… Ông Arất Bốn cho biết, dù đã sáp nhập, song từ trước đến nay bà con vẫn luôn duy trì tinh thần đoàn kết từ bao đời, sẵn sàng sẻ chia từng hạt gạo, từng ngày công. Nhiều cái tên được xướng lên như sự ghi nhận, tri ân của lũ làng vì đã tình nguyện hiến đất, hiến cây cối hoa màu, giúp đỡ các gia đình khó khăn như hộ ông Alăng Mười, ông Bnướch Nghếch, ông Zơrâm Đáp, Bnướch Me… “Thôn A Xờ nay có 195 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Thời gian qua, bà con đã cùng nhau làm kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, các phong trào phát động ở khu dân cư đều được bà con chung tay hưởng ứng nhiệt liệt. Từ những thế mạnh về rừng, về trồng cây bản địa, đời sống người dân ngày càng nâng lên, đến nay chỉ còn 22 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm. Những công trình như đường giao thông, nước sạch, xây dựng hạ tầng đều được bà con tình nguyện hiến đất đai, hoa màu và ngày công, giúp làng ngày càng sạch đẹp, khang trang hơn” - ông Bốn nói. Trước ngày hội, một trận đấu bóng đá giữa thanh niên với đội tự quản, xung kích bảo vệ rừng của thôn đã diễn ra, với sự cổ vũ nhiệt tình của bà con trong thôn, thắt chặt thêm tình cảm xóm làng.
Gắn kết cộng đồng
“Dù trời mưa rét, nhưng sự có mặt đông đủ của bà con ở đây đã thể hiện được khí thế của ngày hội, ghi dấu rõ nhất cho tinh thần đoàn kết. Không khí ấm cúng ở nơi này khiến tôi khá xúc động. Càng mừng hơn khi đời sống bà con ngày càng ấm no, kết quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có nhiều thành quả đáng ghi nhận. Sau sáp nhập, dân số của làng A Xờ nhân đôi, sức mạnh đại đoàn kết cũng nhân đôi, thậm chí nhiều hơn nữa. Mong bà con sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống, đoàn kết, bám rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn và giữ gìn văn hóa, phát triển đời sống, góp thêm những sắc màu tươi mới cho quê hương”.(Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín)
Ngày hội chung, con cháu khắp nơi về hội tụ, chung vui với làng. Nhiều năm trở lại đây, ngoài Tết Nguyên đán, ngày hội đại đoàn kết luôn là một dịp để bà con gặp lại nhau, ôn lại những câu chuyện của gia đình, chòm xóm. Tục góp phần vẫn được duy trì, ai có gì mang nấy để đến với lũ làng. Từ đêm trước, chị em phụ nữ ngồi lại với nhau để gói bánh sừng trâu, chuẩn bị những món truyền thống chiêu đãi cả làng. Đồng bào tự đến, tự dự phần vào từng việc mà mình có thể đảm đương, không ai phải nhắc nhở ai. Trong khi phần đông đang ở gươl, thì bên dưới, một nhóm khác đã chuẩn bị sẵn sàng từng thức uống, rót sẵn rượu cần. Đậm đặc hương vị truyền thống trong từng món ăn, từng ly rượu, cả từng câu chuyện mà họ kể cho nhau nghe trong phần hội của làng. Trách nhiệm với cộng đồng như một thứ sức mạnh để xóm làng thêm yên vui, đắp đầy thêm ấm no.
Ông Phạm Thanh Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Giang cho hay, đến nay đã có 22 khu dân cư trên địa bàn huyện tổ chức ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư. “Năm nay, thời tiết có nhiều bất lợi, song bà con đều đã tổ chức tốt phần lễ và phần hội. Chúng tôi tập trung vào phần hội bằng những trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu theo nguyện vọng của bà con. Đặc biệt, năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện lồng ghép tuyên truyền theo hướng dẫn của Huyện ủy về ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ trong ngày hội, tinh thần đoàn kết, chia sẻ của bà con nhân dân được phát huy, thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể. Đây là sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo nhất của bà con, việc thực thi chính sách thực hiện tốt hơn, đời sống của bà con cũng cải thiện, rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo ở các khu dân cư đều giảm theo từng năm. Khác với đồng bào dưới xuôi, bà con ở vùng cao giúp nhau bằng ngày công, việc làm giản đơn tùy theo điều kiện của mình, nhưng chính tinh thần ấy là một thứ bản sắc, thể hiện rõ nhất tính đoàn kết, đặc biệt là trong ngày hội” - ông Nam chia sẻ.
Dự và chia vui với thôn A Xờ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín dành nhiều tình cảm đặc biệt để sẻ chia, động viên với bà con. Đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín nhấn mạnh chính sự đồng lòng, tính cộng đồng ở A Xờ là nguồn lực quan trọng để diện mạo vùng cao nói chung, ở làng A Xờ nói riêng ngày càng khởi sắc.