Những người kể chuyện quá khứ
Như cái duyên vận vào người, cuộc sống đưa đẩy hai người đàn ông gắn bó với công việc thuyết minh để kể cho du khách những câu chuyện của làng, của di sản. Qua họ, những đau thương mất mát trong chiến tranh; những thâm nghiêm huyền bí của đền tháp Chămpa càng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn.
Gần 25 năm làm công việc thuyết minh, ông Tiến đã trở thành “thương hiệu” của khu di sản Mỹ Sơn. Hầu như đoàn khách nào đến Mỹ Sơn cũng muốn được nghe ông Tiến thuyết minh. Ông cho rằng, yếu tố cốt lõi để khách thích thú chính là phải đáp ứng được nhu cầu của họ. Do đó, trước khi mở đầu bài thuyết minh ông thường quan sát, tìm hiểu để biết khách từ đâu tới, nhu cầu của khách là gì… Tùy đối tượng, ngành nghề mà ông Tiến có bài hướng dẫn phù hợp. Do vậy, bài thuyết minh của ông luôn sinh động, không trùng lặp khiến người nghe thích thú. “Ông bà ta nói nghề chọn người nhưng nếu không có niểm đam mê, không thay đổi chính mình thì cũng dễ dẫn đến nhàm chán, bỏ nghề. Nên việc quan sát, bổ sung kiến thức thông qua bài thuyết minh cũng chính là cách để nuôi dưỡng niềm đam mê cho nghề” - ông Tiến chia sẻ.
Năm 2018, ông Tiến về hưu, nhưng lãnh đạo Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đề nghị ông tiếp tục ở lại công tác. Nhận thấy tình yêu di sản vẫn còn đong đầy, ông Tiến nhận lời. Với ông Tiến, niềm hạnh phúc sau gần 25 năm gắn bó với nghề thuyết minh ở khu di sản Mỹ Sơn, chính là được sống với niềm đam mê.
2. Năm 2012 địa đạo Kỳ Anh (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) bắt đầu làm du lịch. Ông Huỳnh Kim Ta lúc đó đang là trưởng thôn Thạch Tân nên cũng kiêm luôn chuyện tiếp khách. Với kiến thức có được từ những người đã từng sống chiến đấu, ông kể lại câu chuyện địa đạo. “Tôi giới thiệu khách về lịch sử của làng, kể những câu chuyện người dân đào địa đạo, đánh giặc… Đây là sự việc thực tế diễn ra hàng ngày trong chiến tranh mà mình được nghe, được chứng kiến, chỉ khác là bây giờ mình kết hợp thêm tài liệu của Trung tâm VH-TT & truyền thông TP.Tam Kỳ để thuyết minh sinh động, dễ hiểu hơn” - ông Ta nói.
Mỗi ngày, những lúc không có khách ông Ta cũng cố gắng ra đình dọn dẹp để khu vực được sạch sẽ, gọn gàng. Với ông, được kể cho khách nghe câu chuyện làng Thạch Tân và thấy họ cùng tự hào với mình đó là niềm vui. Vì thế, lúc nào ông cũng sẵn sàng, dù trưa hoặc chiều muộn, chỉ cần khách đến, bất kể bận bịu gì ông cũng tiếp đón, hướng dẫn đoàn tận tình. “Bây giờ, tôi hưởng hai suất lương, trưởng thôn 1 chấm và bảo vệ, thuyết minh khu di tích 1,5 chấm, tổng tiền nhận khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Thỉnh thoảng các đoàn khách đến tham quan xong cũng bồi dưỡng chút ít… Ở cái tuổi 60 của mình, thôi xem như vậy cũng đủ chi phí hàng ngày. Quan trọng là tôi rất hạnh phúc với công việc này, vì mình được kể câu chuyện của làng Thạch Tân cho khách khắp nơi biết, nhất là với các bạn trẻ, học sinh, cựu chiến binh… Mỗi khi thấy họ chăm chú lắng nghe tôi hạnh phúc lắm!” - ông Ta tâm sự.