Hơn 11.000 nhà khoa học ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp khí hậu

QUỐC HƯNG 13/11/2019 09:11

(QNO) - Ngày 5.11, một ngày sau khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi Thỏa thuận Paris - một thỏa thuận toàn cầu để cứu lấy trái đất, hơn 11.000 nhà khoa học trên thế giới cùng ra tuyên bố “tình trạng khẩn cấp khí hậu”.

Trong năm 2018, khí thải CO2 trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 37 tỷ tấn. Ảnh: shutterstock
Trong năm 2018, khí thải CO2 trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 37 tỷ tấn. Ảnh: shutterstock

Nhằm kêu gọi thế giới mau chóng hành động để bảo vệ trái đất, 11.258 nhà khoa học của 153 quốc gia trên thế giới cùng nhau ký tên, đóng dấu và chuyển đi thông điệp cảnh báo về khí hậu toàn cầu.

Nghiên cứu mới, hay thông điệp của các nhà khoa học trên vừa được đăng trên tạp chí BioScience. Biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh hơn so với dự đoán của hầu hết các nhà khoa học và đang đe dọa hệ sinh thái tự nhiên, số phận của nhân loại.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu 40 năm qua nêu rõ, các hoạt động của con người đã tác động đến hành tinh một cách nghiêm trọng bao gồm khí thải nhà kính tăng nhanh, tỷ lệ phá rừng ở mức báo động, nhiệt độ toàn cầu tăng trong khi nhiều chính phủ không kịp thời giải quyết khủng hoảng về khí hậu.

Thomas Newsome - nhà khoa học môi trường của Đại học Sydney (Úc), một trong những tác giả của nghiên cứu trên nói: “Các nhà khoa học có nghĩa vụ về mặt đạo đức phải cảnh báo nhân loại khi có những mối đe dọa xảy ra”.

Qua đó, các nhà khoa học nêu lên những kiến nghị cụ thể như: các quốc gia nên thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đầu tư vào các công nghệ để chiết xuất khí thải CO2 từ khí quyển, giảm hợp chất hữu cơ chlorofluorocarbon (CFC) trong công nghệ làm mát như sản phẩm máy điều hòa…

Ngoài ra, các chính phủ chấm dứt ngay việc trợ cấp cho các công ty nhiên liệu hóa thạch. Các nước giàu hơn nên hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, dân số thế giới phải được ổn định và giảm dần dần một cách lý tưởng. 

Những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu nên tập trung vào việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái như rừng, rạn san hô, thảo nguyên và vùng đất ngập nước bởi chúng hấp thụ và lưu giữ CO2 tự nhiên từ khí quyển.

Mọi người nên ăn chủ yếu là thực phẩm từ thực vật, sẽ cải thiện sức khỏe và giảm khí thải nhà kính từ chăn nuôi. Các nền kinh tế nên ưu tiên các sáng kiến ​​không có CO2 thay vì tập trung vào tăng trưởng GDP.

Các nhà khoa học nêu bật một số tiến bộ đã đạt được, chẳng hạn như mức tăng tiêu thụ năng lượng mặt trời và năng lượng gió tăng 373% mỗi thập kỷ kể từ năm 2000. Tuy nhiên, sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió riêng năm 2018 vẫn thấp hơn hơn 28 lần so với nhiên liệu hóa thạch.

Nghiên cứu trên viết, gọi là “tình trạng khẩn cấp” bởi nếu chúng ta không sớm thay đổi thì cả nhân loại có thể gánh chịu những hậu quả không lường trước được, vì tình trạng biến đổi khí hậu đang được gióng hồi chuông cảnh báo.

QUỐC HƯNG