Vùng cao Trà My ách tắc giao thông

HOÀI AN 12/11/2019 10:17

Vào mùa mưa, nhiều tuyến đường giao thông ở huyện miền núi Nam Trà My thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc giao thông; trong khi đó, hàng loạt tuyến đường ở địa phương đang xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến đường ĐH8 đoạn qua thôn 1 (xã Trà Vân, Nam Trà My) bị sạt lở. Ảnh: H.N
Tuyến đường ĐH8 đoạn qua thôn 1 (xã Trà Vân, Nam Trà My) bị sạt lở. Ảnh: H.N
 Quốc lộ 40B là tuyến đường huyết mạch, nhưng đoạn từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My có 12 đoạn quanh co, cua ngoặt, hiểm trở; đường xấu, hư hỏng, xuống cấp, đường nhỏ hẹp không đảm bảo. Ngoài ra trên tuyến này còn có 2 cây cầu bắt qua sông Trường và sông Nước Oa thuộc địa phận huyện Bắc Trà My, khi mưa lớn kéo dài dễ ngập, gây chia cắt và tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 10.2019 vừa qua đã xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở ở ta luy dương, xói lở cống thoát nước trên tuyến 40B đoạn qua huyện Nam Trà My. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Sở Giao thông vận tải đã cử các đơn vị liên quan tiến hành sửa chữa, khắc phục để đảm bảo giao thông trên tuyến. Do tuyến quốc lộ 40B đi qua nhiều đồi núi dốc nên khi mưa lớn kéo dài thường xảy ra sạt lở.

Mưa lũ chia cắt nhiều nơi ở Bắc Trà My

 Do ảnh hưởng của hoàn lưu bảo số 6, tại vùng núi huyện Bắc Trà My liên tục có mưa lớn làm mực nước các sông suối dâng lên nhanh, chia cắt nhiều nơi. Ngầm sông Trường thuộc địa phận xã Trà Tân (Bắc Trà My) trên tuyến quốc lộ 40B từ lúc 2 giờ sáng 11.11 bị cắt đứt lưu thông bởi nước lũ băng qua, dâng cao liên tục trên 2m. Tại các xã Trà Nú, Trà Kót, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Giang, nhiều thôn, nóc cũng bị chia cắt cục bộ với trung tâm xã vì nước lũ dâng cao ngập các lối đi băng qua sông, suối. Tại xã Trà Giáp, đã xảy ra sạt lở tuyến đường từ thôn 2 đi thôn 1.

Huyện Bắc Trà My chỉ đạo Công an huyện phối hợp với UBND các xã bố trí lực lượng chốt chặn, không cho người, phương tiện qua lại các khu vực ngập sâu, các ngầm giao thông, nhất là ngầm sông Trường, ngầm sông Nước Oa...; yêu cầu hiệu trưởng các trường học, tùy tình hình thực tế mưa lũ ở từng địa bàn để chủ động cho học sinh nghỉ học. Riêng tại khu dân cư dọc đường Võ Nguyên Giáp (thuộc tổ Đàn Bộ, thị trấn Trà My), mưa lớn làm đất đá trôi vào nhà dân, có nguy cơ sạt lở cao, UBND thị trấn Trà My đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện di dời 93 người nếu tiếp tục có mưa lớn.(BÌNH NGUYỄN)

Theo báo cáo về tổng kết thực hiện Đề án thực hiện kiên cố hóa mặt đường huyện (ĐH) và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 của UBND huyện Nam Trà My, hiện trên địa bàn huyện có 11 tuyến ĐH với tổng chiều dài tuyến 153km. Các xã trong huyện đều có đường ô tô đến trung tâm. Tuy nhiên, nhiều tuyến có mặt đường thâm nhập nhựa đã xuống cấp trầm trọng cần được nâng cấp, cải tạo. Đặc biệt một số công trình cầu nhỏ và cống cũ xuống cấp và không đủ khẩu độ thoát nước, cần được xây dựng mới... Đợt mưa lớn vào cuối tháng 10.2019 vừa qua cũng gây sạt lở nhiều tuyến đường đi về các xã trên địa bàn Nam Trà My. Đặc biệt sạt lở nghiêm trọng ở hai tuyến ĐH3 (đoạn từ xã Trà Tập đi xã Trà Cang), ĐH8 (qua địa bàn xã Trà Vân). Tuyến đường ĐH3 đoạn từ xã Trà Tập đi Trà Cang bị sạt lở 5 điểm tại km6 - km8, ô tô không đi lại được, sau mưa lớn chính quyền địa phương đã cử các lực lượng dùng phương tiện xử lý lượng đất đá sạt lở tràn ra đường, đến nay đã thông tuyến. Mặc dù tuyến ĐH3 đã thông xe nhưng mặt đường trên tuyến đã hư hỏng, đặc biệt những đợt mưa lũ vừa qua nhiều điểm hư hỏng nghiêm trọng. Tuyến đường ĐH8 đoạn từ UBND xã Trà Vân đi tuyến Đông Trường Sơn vừa vào mùa mưa đã xuất hiện tình trạng sạt lở. Đặc biệt tại địa bàn thôn 1, xã Trà Vân có nhiều điểm sạt lở, đất đá tràn ra lấp cả con đường. Nhằm đảm bảo việc lưu thông, người dân đã phát dọn và làm một đường đi tạm cho xe máy, người đi bộ; còn ô tô hiện vẫn chưa thể lưu thông từ trung tâm xã vào thôn 2, thôn 3.

Ông Nguyễn Công Dũng - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Nam Trà My cho biết, sau khi xảy ra sạt lở trên các tuyến đường trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị thi công công trình trên địa bàn để huy động phương tiện, nhân lực tập trung triển khai khắc phục sạt lở. Hiện những điểm sạt lở ở tuyến đường vào các thôn, đã huy động người dân khắc phục để đi lại bằng xe máy. Các tuyến đường về các xã thì dùng phương tiện cơ giới để thông tuyến. Tại các tuyến đường huyện chờ nắng lên mới khắc phục triệt để, bởi nếu đào lên gặp trời mưa lớn đất sẽ sạt xuống lại. “Đến nay, các tuyến đường bị sạt lở trong đợt mưa lớn vừa qua cơ bản đã thông tuyến và đảm bảo việc đi lại của người dân. Hiện chỉ còn tuyến đường ĐH8 đoạn từ UBND xã Trà Vân đi Đông Trường Sơn chưa thông tuyến và chúng tôi đang tiếp tục khắc phục” - ông Dũng nói.

HOÀI AN