Làng Chăm ở Đồng Dương

QUỐC TUẤN 11/11/2019 15:18

Lặng lẽ bên di tích Phật viện Đồng Dương (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình), làng Chăm hiền hòa như chứng nhân cho tháng năm thăng trầm của vùng đất này.

Con đường làng dẫn vào di tích Phật viện Đồng Dương. Ảnh: Q.T
Con đường làng dẫn vào di tích Phật viện Đồng Dương. Ảnh: Q.T

1. Ngôi nhà của ông Trà Tấn Vụ - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Dương nằm sau nhiều lối rẽ bê tông nhỏ. Ngày mùa đã xong từ lâu lại thêm tiết trời ẩm ương những ngày mưa gió nên ông Vụ khá rảnh rang. Đã lâu mới có người gợi chuyện về làng tộc Trà của mình, ông Vụ khá xởi lởi với những mẩu chuyện không đầu, không cuối. Bao đời nay, người dân làng Đồng Dương vẫn làm chạp làng vào ngày mùng Một tháng Chạp, sau đó thì các tộc nhánh tuần tự làm cho đến gần hết tháng thì thôi. Đến giờ, con cháu tộc Trà vẫn lấy ngày 12 tháng Chạp hằng năm để làm ngày chạp tộc và quy tụ con cháu trên cả nước về rất đông. Ông Vụ bộc bạch: “Giờ điều kiện kinh tế khá rồi thì con cháu chung góp rủng rỉnh để chế biến ẩm thực đặc sắc hơn nhưng mấy món truyền thống dân dã của người Chăm như canh môn ngọt hay canh chua lá me thì vẫn giữ theo tập tục”.

Ở làng Đồng Dương hiện có 130 hộ mang họ Trà. Khi chưa sáp nhập thôn và chỉ tính riêng trong làng Đồng Dương theo địa giới cũ thì cư dân tộc Trà chiếm tới gần 80% dân số. Trong làng thường có tập tục bắt rể, nhà nào không có con trai thì sẽ bắt rể nên dần dần số lượng người mang họ khác trong làng nhiều lên một phần cũng bởi tập tục này. Điểm đặc biệt theo lời ông Vụ thuật lại là con trai, con gái tộc Trà không bao giờ kết hôn với nhau cho dù là sinh sống ở nơi đâu trên đất nước chứ không chỉ tộc Trà trong làng.

Do có một cộng đồng quần tụ sinh sống “tối lửa tắt đèn” cùng nhau nên người họ Trà trong làng không mặn mà với việc di cư dù ở các vùng lân cận có nhiều đợt di cư trong những tháng năm đất nước còn ở thời kỳ bao cấp. Ông Vụ cho biết, do đây là vùng bán sơn địa nên hồi trước canh tác lúa một sào chỉ chừng 10 ang (tức khoảng 50kg) còn bây giờ có kênh mương thủy lợi nhà ông làm 3 sào lúa một vụ có tệ cũng được 150 ang. Ở cuối làng bây giờ vẫn sừng sững hai cây đa có niên đại hàng trăm tuổi. Theo lời các cụ cao niên, ngày xưa ở Đồng Dương có nhiều cây đa cổ thụ nhưng do bom đạn nên đều hư hại cả.

2. Từ nhà thờ làng Đồng Dương đến Tháp Sáng (một di tích trong Phật viện Đồng Dương) được ngăn cách bởi hồ nước. Trên bờ, cành lá bồ đề rủ bóng xuống mặt nước, một bên ruộng đàn trâu thong dong nằm còn trên mặt hồ đàn vịt xiêm chốc chốc vỗ cánh phành phạch xua đi bầu không khí tĩnh lặng. Đồng Dương đẹp như tranh, nhưng vắng ngắt như bao ngày. Ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, khách tham quan cũng có nhưng chỉ lai rai. Họ chỉ đến di tích Phật viện Đồng Dương và tượng đài chiến thắng Đồng Dương một chút rồi đi chứ không ghé sâu vào trong làng.

Thêm vài bước chân từ nhà thờ làng sẽ đến nhà thờ tộc Trà. Theo cụ Trà Tấn Tôn - 80 tuổi (tổ 6, thôn Đồng Dương), trong nhà thờ tộc hiện có mấy tấm bia khắc chữ Chăm được khai quật và lưu giữ nhưng trong làng không còn ai có thể dịch được những tấm bia đó. Dăm mười năm trước, trong vườn nhà của hầu hết cư dân làng Đồng Dương luôn có cây môn, một trong số các loài thực vật đặc trưng cho ẩm thực bản địa nhưng hiện nay đã thưa thớt đi rất nhiều. Do sự giao thoa với cộng đồng người Việt ở địa phương nên dần dần, những món ẩm thực độc đáo của cư dân họ Trà nói riêng và người Chăm nói chung trước kia dần vắng bóng trong bữa ăn hàng ngày và chỉ xuất hiện trong các dịp lễ lạt mà thôi.

Chợt nhớ, cách đây không lâu, một bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp với lĩnh vực ẩm thực Chăm tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã ngạc nhiên khi được người viết chia sẻ thông tin rằng vẫn còn một ngôi làng người Chăm sinh sống ngay trên xứ Quảng. Ngạc nhiên là bởi “start-up” này đã phải cất công, lặn lội vào tận Ninh Thuận, Bình Thuận để học hỏi, khám phá văn hóa, ẩm thực của người Chăm. Hiện nay, dự án khởi nghiệp này đang phát triển khá ổn và dần được du khách thập phương đón nhận. Liệu đây có phải là một lối mở để phát triển du lịch cho cả di tích Phật viện Đồng Dương và làng cộng đồng Đồng Dương?

QUỐC TUẤN