Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam Phan Việt Cường: Cần huy động các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đầu tư hạ tầng sân bay
Tham gia thảo luận tại diễn đàn Quốc hội chiều 31.10 về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Phan Việt Cường bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đã trình bày trước Quốc hội.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và từ thực tiễn công tác, đại biểu Phan Việt Cường cho rằng, các quy định của pháp luật vẫn còn chồng chéo, xung đột, chưa phù hợp với thực tiễn đặt ra, làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực đầu tư, đấu thầu kinh doanh. Nếu tập trung giải quyết, tháo gỡ sớm những hạn chế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế không chỉ ở con số 6,8% mà còn có thể tăng lên 7%. Về chất lượng xây dựng một số công trình trọng điểm quốc gia, theo đại biểu Phan Việt Cường, nếu đại biểu Quốc hội có thời gian trải nghiệm cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi và Vân Đồn - Móng Cái sẽ có cảm giác hoàn toàn khác nhau. Những hạn chế trong xây dựng các công trình đường cao tốc qua địa bàn Quảng Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải và được Bộ trả lời đến tháng 9.2019 hoàn thành việc khắc phục những tồn tại, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải không có khả năng giải quyết thì thông báo cho địa phương để có hướng khắc phục.
Mặt khác, đại biểu Phan Việt Cường cho rằng, cả nước có 22 sân bay, trong đó có 21 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không ACV quản lý, vận hành; trong 21 sân bay, có 8 sân bay hoạt động có hiệu quả, 19 sân bay hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, hạ tầng ngày càng xuống cấp chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều địa phương đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ đề nghị cho cơ chế xã hội hóa nguồn đầu tư, xây dựng kết cầu hạ tầng sân bay, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngõ. Cũng theo đại biểu Phan Việt Cường, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ có mặt hầu hết trên thị trường cả nước. Ở một số nơi lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số doanh nghiệp không tốt đã đưa lượng hàng trên về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ, gây bất bình trong nhân dân.
Từ những vấn đề trên, đại biểu Phan Việt Cường đề xuất 4 nhóm giải pháp khắc phục: Thứ nhất, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như dự thảo báo cáo phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 và nghị quyết Quốc hội đề ra, trong đó nâng cao tính chủ động của nền kinh tế, tăng sức đề kháng, chống lại các áp lực từ yếu tố bên ngoài tác động đến nền kinh tế nước ta. Thứ hai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương tổng rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định còn chồng chéo; trước hết ban hành một luật, nghị quyết để sửa đổi nhiều luật, nghị quyết trên cùng lĩnh vực, sau đó điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh. Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các ngành trung ương cho thí điểm hoặc phân cấp về địa phương để huy động nguồn lực tài chính trong các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay và vận hành khai thác như mô hình sân bay Vân Đồn đã làm, trừ những sân bay có tính chất an ninh, quốc phòng. Thứ tư, về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ..., đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa, đóng cửa vĩnh viễn và phạt thật nặng để răn đe, cho phá sản như các nước đã làm. Có như vậy mới đem lại sự công bằng trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.