Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Chất vấn về chính sách phát triển thủy sản
Sáng 6.11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cho rằng, thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện có 55 tàu (trong đó có đến 36 tàu vỏ thép) dừng hoạt động, nhiều tàu vỏ thép không được duy tu bảo dưỡng, không thực hiện đăng kiểm trở lại khi hết thời hạn theo quy định; nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng, nợ xấu trong lĩnh vực này chiếm tới 27,8%. Tại Quảng Nam nợ xấu trong lĩnh vực này chiếm đến 52,17% trong tổng dư nợ xấu trên địa bàn; đồng thời gần đây xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ để trục lợi. ĐBQH Phan Thái Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết nguyên nhân của tình trạng trên, giải pháp nào để các tàu cá không tiếp tục dừng hoạt động, các ngân hàng có thể thu hồi được nợ và làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân đánh bắt không hiệu quả vì ngư trường quá tải, có hai chủ tàu chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, rất muốn chuyển đổi nghề, một số chủ tàu không tích cực tham gia, dẫn đến hơn 30% số tàu đến thời kỳ duy tu, bảo dưỡng thì không thực hiện bảo dưỡng. Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ trước hết xác định tiềm năng ngư trường của chúng ta là không khuyến khích nhiều; phương thức đầu tư hỗ trợ tín dụng qua 11 năm tỏ ra không phù hợp. Theo Bộ trưởng, nên thay đổi phương thức này do không có tác dụng trên thực tế, cá biệt ngư dân có tâm lý ỷ lại. Theo đuổi chương trình này, ngành ngân hàng rất vất vả, do đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17, thay đổi không khuyến khích tất cả mà ai có điều kiện, có kinh nghiệm, có tiềm lực thì được Nhà nước hỗ trợ một lần, tối đa không quá 35% giá trị còn tàu, tùy theo công suất; theo cơ chế này, từ năm 2018 đến nay có 40 chiếc được đóng mới, trong đó có 30 chiếc đi vào hoạt động hiệu quả...