Chọn sản phẩm du lịch xanh
Phát triển du lịch trong các khu sinh quyển thế giới là xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần chọn lọc loại hình phù hợp, hài hòa với hệ sinh thái ở khu vực này để tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, bền vững.
Tiềm năng rộng mở
Dù chưa có chiến lược phát triển du lịch sinh thái (DLST) ở tầm quốc gia song để khai thác tiềm năng DLST nhiều địa phương, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã xây dựng riêng cho mình quy hoạch/kế hoạch phát triển DLST điển hình như vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng). Tại hội thảo tổng kết hoạt động các khu sinh quyển thế giới năm 2019 vừa diễn ra tại TP.Hội An, đại diện Khu sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) đã chia sẻ kinh nghiệm qua phát triển DLST bằng việc xây dựng tour tuyến dựa trên tài nguyên hệ sinh thái bản địa như: thăm vườn thú tự nhiên, tham quan khu bảo tồn chim, câu cua, tìm hiểu quy trình ấp nở trứng cá sấu… được du khách hào hứng đón nhận khi trung bình có tới gần 30 nghìn lượt khách/ngày mua vé tham quan.
Theo ông Lê Văn Lanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, với nhiều hệ sinh thái đặc thù cùng tính đa dạng sinh học cao các khu sinh quyển, vườn quốc, khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta có tiềm năng lớn để phát triển DLST. Các nhóm sản phẩm DLST đặc trưng có thể xây dựng và khai thác như: du lịch xem chim (U Minh Thượng, Tràm Chim, Mũi Cà Mau…), du lịch xem thú (Cát Tiên, Phong Nha - Kẻ Bàng…), du lịch xem côn trùng (Cúc Phương, Tam Đảo), xem hoa đỗ quyên, phong lan, ngô đồng (Bạch Mã, Cát Tiên, Cù Lao Chàm) hoặc lặn xem san hô (Núi Chúa, Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm). Ngoài ra, theo ông Lanh các khu vực này còn có thể phát triển DLST tập trung vào các hoạt động như: tham quan hang động, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn và một số sản phẩm khác.
Phát triển có chọn lọc
Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương - Viện Môi trường và phát triển bền vững, những nguyên tắc cơ bản mà hoạt động phát triển DLST cần tuân thủ bao gồm: có hoạt động diễn giải môi trường để nâng cao hiểu biết của du khách về tự nhiên, du lịch theo nhóm nhỏ phù hợp với “sức chứa” của điểm đến và tôn trọng, có đóng góp cho bảo tồn, phát huy văn hóa địa phương tạo thêm việc làm, lợi ích cho cộng đồng.
Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế đã đưa ra khái niệm về du lịch, theo đó, du lịch sinh thái là chuyến đi có trách nhiệm tới các khu vực thiên nhiên mà bảo tồn được môi trường và cải thiện phúc lợi cho người dân địa phương. Tuy vậy, bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông tin: “Hiện nay người dân Cù Lao Chàm vẫn chưa nhận được lợi ích tương xứng từ các hoạt động du lịch tại địa phương khi chỉ nhận được khoảng ¼ giá trị từ tổng doanh thu du lịch và cần thiết có các giải pháp để cải thiện con số này”.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, thực tế hiện nay điểm tham quan ở Cù Lao Chàm khá nghèo nàn trong khi du khách mua dịch vụ đến đây không phải rẻ (khoảng 600 - 700 nghìn đồng/người) nên cần có biện pháp giảm các khâu trung gian thì mới có thể tăng cường chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương. Bà Trần Lan Hương – Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nói, UNESCO luôn khuyến khích các khu sinh quyển, vườn quốc gia cũng như khu bảo tồn thiên nhiên phát triển du lịch để khai thác tốt tiềm năng, cải thiện sinh kế người dân trong đó cần ưu tiên loại hình DLST và cần tính toán giới hạn số lượng khách ở một ngưỡng nhất định phù hợp với “sức chứa” của các điểm đến nhằm không làm tổn thương hệ sinh thái các khu vực này.