Cần siết chặt quản lý nội dung quảng cáo

Lê Quân 07/11/2019 10:46

Vụ việc “phủ bia” lên di sản Chùa Cầu trong một biển hiệu quảng cáo ngoài trời dọc quốc lộ 1 qua Điện Bàn tiếp tục đặt ra vấn đề cần siết chặt quản lý việc treo pano, biển hiệu quảng cáo trên toàn tỉnh.

Sở VH-TT&DL cho biết đang bàn bạc với doanh nghiệp để thay đổi maket tấm pano quảng cáo bia Huda (sản phẩm của Công ty TNHH Carlsberg VN), thậm chí sẽ tiến đến tháo dỡ biển hiệu này. Biển hiệu quảng cáo này sử dụng biểu tượng Chùa Cầu có màu xanh - trùng với màu chủ đạo của sản phẩm bia Huda và đặt bên cạnh một lon bia Huda. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, đây là hình ảnh phản cảm, không đúng với bản chất của biểu tượng văn hóa có hơn 400 năm tuổi của Hội An. Việc xử lý tấm pano quảng cáo này cần sự đồng thuận giữa Sở VH-TT&DL lẫn phía doanh nghiệp, tuy nhiên, từ đây lại đặt ra vấn đề về quản lý nội dung của biển hiệu quảng cáo như thế nào là hợp lý. 

Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt biển quảng cáo, pano quảng cáo sản phẩm không đúng với chức năng, thậm chí vi phạm các điều khoản của Luật Quảng cáo. Mới đây, Tổng cục Du lịch đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành siết chặt công tác quản lý nội dung thông tin, ấn phẩm quảng bá du lịch sau khi có thông tin phát hiện ấn phẩm du lịch có in hình “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) phi pháp. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động rà soát các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch của các đơn vị mình, đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng bản đồ, ấn phẩm, không được để xảy ra sự cố mới khắc phục. Các đơn vị cần hạn chế sử dụng những ấn phẩm do nước ngoài xuất bản, trường hợp sử dụng doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi đến khách hàng. 

Các địa phương trong cả nước đang tiến hành chấn chỉnh, siết chặt việc quản lý nội dung in ấn trên các biển hiệu quảng cáo. Theo đó, kể cả việc sử dụng tiếng Việt sai quy cách, sử dụng biển hiệu có tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật, không có tiếng Việt đều bị xử phạt. Theo chia sẻ của một luật sư về quy định nội dung của biển hiện quảng cáo, ngoài những điều kiện quy định theo Luật Quảng cáo thì khi thực hiện việc quảng cáo thông qua bảng quảng cáo cần đáp ứng những quy định khác của pháp luật về văn hóa dân tộc, an toàn hành lang giao thông đường bộ, đê điều, mạng lưới điện quốc gia, đèn tín hiệu giao thông không được che chắn...

Riêng Quảng Nam đã có bộ quy hoạch biển hiệu quảng cáo ngoài trời được UBND tỉnh thông qua từ năm 2012. Tuy nhiên, theo đại diện của nhiều địa phương, hiện việc xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo còn mang tính tự phát, chưa chấp hành các quy định của pháp luật. Đặc biệt, nhiều biển hiệu của các tổ chức kinh doanh có diện tích lớn, che khuất cả mặt tiền nhà, có nguy cơ ngã đổ, ảnh hưởng đến an toàn về xây dựng và công tác phòng cháy chữa cháy. Chưa kể, nhiều bảng hiệu quảng cáo và cổ động trực quan của một số huyện, thành phố lắp dựng chồng chéo, không có kích thước chuẩn về chiều dài, chiều cao và chiều cao tổng thể của từng bảng... Tại Tam Kỳ, đại diện Phòng VH-TT thành phố cho biết, địa phương liên tục phối hợp kiểm tra xử lý triệt để các trường hợp treo, đặt quảng cáo sai quy định cũng như chấn chỉnh các trường hợp lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích hơn 20m2 gắn lên tường nhà, các biển hiệu, hộp đèn có chân đặt trên vỉa hè, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị ngày càng văn minh...

Lê Quân