Doanh nghiệp vẫn gặp khó

H.N 07/11/2019 10:35

Hôm qua 6.11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, có đại biểu yêu cầu bộ trưởng nêu giải pháp căn cơ để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp.

Trong phần trả lời, một ví dụ được “tư lệnh ngành” đưa ra về chuyện thu hút đầu tư, là bí thư, chủ tịch một tỉnh ở Tây Nguyên rất tích cực nên mời được nhiều DN về địa phương, “thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời DN”.  Và “vì sự nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, DN cảm động nên từ 1 nhà máy, đã đầu tư thêm 1 nhà máy nữa” tại địa bàn tỉnh này.

Có lẽ thời gian không đủ, nên thay vì đưa giải pháp, bộ trưởng đề cập số lượng DN thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp hiện tăng gấp 3 lần - từ khoảng 3.000 lên 9.000/năm. Dù thừa nhận là hiệu quả chưa cao vì hiện có 11.800 DN nông nghiệp và hơn 40.000 DN hỗ trợ còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu; nhưng bộ trưởng vẫn khẳng định “số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng DN để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”.

Tôi không mổ xẻ kiểu “tiểu tiết” nhưng thật ra, ý này của tư lệnh ngành có lẽ hơi khó để như một thực chứng cho các tỉnh, thành khác “tham khảo, học tập”. Đối với DN, điều họ quan tâm là lợi nhuận sau đầu tư để tính toán kế hoạch hay chiến lược cho chặng đường kế tiếp, chứ không thể là sự “cảm động” khơi khơi. Việc chạy theo số lượng, càng không cần thiết. Vấn đề cốt lõi là chính sách mời gọi DN đầu tư vào nông nghiệp và việc thực thi chính sách hỗ trợ như thế nào để họ có thể hào hứng đến, vui vẻ ở lại và đủ điều kiện thuận lợi để phát triển. Bởi lẽ, chuyện DN gặp khó không hề đơn lẻ. Nhiều DN bất động sản từng than phiền trên báo chí về thủ tục hành chính kéo dài, có những DN cho rằng họ phải mất nhiều tháng, thậm chí vài năm để xin được xác định đóng tiền sử dụng đất, dẫn đến gây thiệt hại cho DN do phải chịu chi phí lãi suất. Đó là chưa kể các quy định dưới luật và cả luật chồng chéo, đá nhau khiến họ không thể nào triển khai việc đầu tư.

Nêu vài con số để ví dụ. Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018, vẫn còn 54,8% DN phải chi trả chi phí không chính thức, 58% DN cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước ở địa phương giải quyết thủ tục cho họ. Tỷ lệ DN cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động: 34% DN cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% DN phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Theo PAR INDEX 2018, còn 40 địa phương chưa thường xuyên rà soát, gỡ bỏ các thủ tục hành chính hết hiệu lực hoặc cập nhật các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung; 44 địa phương chưa công khai đầy đủ thủ tục hành chính theo yêu cầu; 30 địa phương chưa công khai đầy đủ kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Làm thế nào để... hạ đáy những con số trên đây, khi đó DN sẽ đủ niềm tin đầu tư mạnh vào những lĩnh vực mà chính quyền cần, kể cả lĩnh vực nông nghiệp. Nó sẽ có giá trị bảo chứng hơn bất kỳ bức tranh xúc tiến đầu tư vẽ mây nẩy trăng lộng lẫy nào đó...

H.N