Góp ý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

VĂN HIẾU 06/11/2019 14:18

(QNO) - Tại hội trường Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam vừa tham gia thảo luận nhiều nội dung về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thảo luận dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thảo luận dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, Khoản 8 Điều 8 quy định về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng trong thực tiễn khi ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy phân công các đoàn công tác đối ngoại thường giao cho các đồng chí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng đoàn; còn các đồng chí phó chủ tịch HĐND, UBND chỉ là tỉnh ủy viên. Cho nên việc quy định đồng chí thành viên đoàn dùng hộ chiếu ngoại giao, còn đồng chí trưởng đoàn thì lại dùng hộ chiếu công vụ thì thấy chưa phù hợp. Do vậy đề nghị bổ sung tất cả các đồng chí thành viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy được cấp hộ chiếu ngoại giao là phù hợp hơn.

Về hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu còn thời hạn bị mất, tại Khoản 1 Điều 28 quy định đối với hộ chiếu phổ thông trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, thời hạn nộp hoặc gửi đơn báo mất có thể dài hơn nhưng trong đơn phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng. Tương tự tại Khoản 2 Điều 8 quy định đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan quản lý trực tiếp của người được cấp hộ chiếu gửi thông báo bằng văn bản việc mất hộ chiếu trong thời gian sớm nhất cho cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền cấp hộ chiếu, hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Việc quy định thời gian (có thể dài hơn hoặc trong thời gian sớm nhất) như trên là không cụ thể, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị có thể kéo dài thời gian hơn trong trường hợp bất khả kháng, nhưng cũng phải giới hạn thời gian cụ thể khi lý do bất khả kháng không còn thì thời gian tiếp theo cũng không thể kéo dài quá 48 giờ, chứ thời gian này không thể kéo dài mãi được mà không có giới hạn cuối cùng.  

Theo đại biểu Phan Thái Bình, đối với cơ quan quản lý hộ chiếu quy định tại Khoản 2 Điều 8 cũng cần quy định rõ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc mất hộ chiếu cho cơ quan có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, nhưng cũng không quá 48 giờ kể từ khi phát hiện việc mất hộ chiếu.

Về khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông tại Khoản 3 Điều 32, đại biểu đề nghị bổ sung việc khôi phục hộ chiếu phổ thông được thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh nơi cư trú của công dân hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 15 dự thảo luật. Vì Khoản 3 Điều 15 của dự thảo luật quy định việc cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; người có thẻ căn cước công dân thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi, phân cấp như vậy để thuận lợi cho công dân.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) góp ý dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) góp ý dự thảo luật.

Về kiểm soát xuất nhập cảnh, Điểm c Khoản 2, Điều 35 quy định trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh thì xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, sau đó giải quyết cho nhập cảnh. Vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị ban soạn thảo xem xét lại, vì không thể mọi trường hợp nhập cảnh mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhưng sau đó lại giải quyết cho nhập cảnh được, tránh việc lợi dụng không được nhập cảnh sau đó hợp thức hóa bằng việc xử lý hành chính rồi cho nhập cảnh, đồng thời cần đối chiếu với Luật Xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực này cho chặt chẽ.

Về Khoản 12 Điều 37 quy định trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, trong thực tế về thẩm quyền tạm hoãn trong tố tụng hình sự, đây là thẩm quyền theo quyết định tư pháp, khi chúng ta thực hiện bằng quyết định cho phép Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những trường hợp bị can, bị cáo đang có quyết định tạm hoãn của cơ quan tố tụng thì trong trường hợp này nếu Thủ tướng cho xuất cảnh thì việc cơ quan tố tụng xử lý những vụ việc này sẽ bị vướng.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị luật cần quy định cụ thể hơn hoặc bỏ Khoản 12 này, bởi vì Khoản 11 quy định trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền ra quyết định gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, như vậy trong trường hợp đặc biệt nếu có chủ trương của người có thẩm quyền thì vẫn có thể thực hiện được.

VĂN HIẾU