Chung tay xây dựng đô thị văn minh

Lê Như Thủy 06/11/2019 10:22

Thực hiện Thông tư 02/2013/TT-BVHTTDL, ngày 24.1.2013 của Bộ VH-TT&DL, công tác xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân.

Cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện xây dựng đô thị văn minh. TRONG ẢNH: Cầu vượt ở cửa ngõ vào thị trấn Núi Thành. Ảnh:V. PHIN
Cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện xây dựng đô thị văn minh. TRONG ẢNH: Cầu vượt ở cửa ngõ vào thị trấn Núi Thành. Ảnh:V. PHIN
 Tính đến cuối năm 2018, cả tỉnh có 19/37 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Tại các địa phương đạt chuẩn, người dân có ý thức trong việc bảo vệ, chăm lo môi trường sống, cùng chung tay xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ngay sau khi Thông tư 02 ban hành, Sở VH-TT&DL chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại các đô thị. Trong đó, Mặt trận và các đoàn thể chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú. Thông qua chuyên mục “Đại đoàn kết” ở các địa phương, Mặt trận, các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền thường xuyên chuyên đề về văn hóa đô thị trên đài truyền thanh, dựng pa-nô, áp phích nơi công cộng; tuyên truyền miệng đến đoàn viên, hội viên thông qua các mô hình câu lạc bộ, các đợt sinh hoạt chuyên đề kỷ niệm ngày truyền thống... với thời lượng, quy mô thích hợp nhằm đưa thông tin một cách đầy đủ cho người dân. Cạnh đó, nhiều địa phương chủ động đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt ngoại khóa và các hội thi để học sinh, tầng lớp trí thức, lao động phổ thông, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh... thể hiện khả năng hiểu biết của mình về văn minh đô thị.

Diện mạo đô thị Nam Phước (Duy Xuyên) từng bước được định hình. Ảnh: N.T
Diện mạo đô thị Nam Phước (Duy Xuyên) từng bước được định hình. Ảnh: N.T

Cùng với việc tuyên truyền giáo dục về nếp sống văn minh đô thị, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương còn quan tâm tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống và những nét đẹp của quê hương. Nhiều nơi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi viết, vẽ về lịch sử, truyền thống cho thiếu niên, học sinh; tổ chức hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài quê hương để công dân có ý thức trách nhiệm hơn trong việc xây dựng tuyến phố văn minh đô thị. Nhiều chương trình tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu dễ nhớ, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện cũng được chú trọng triển khai như tổ chức diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo với nhân dân chung quanh các nội dung về văn hóa giao thông; công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyên truyền văn minh thương mại cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tuyên truyền không lấn chiếm hành lang, vỉa hè, bảo vệ cây xanh cho các hộ dân cư ở trục đường chính...

Còn nhiều việc phải làm

Hiệu quả tích cực của công tác tuyên truyền, vận động xây dựng đô thị văn minh đã góp phần đáng kể vào thành tích xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh. Tuy vậy, qua đợt khảo sát chỉ số hài lòng của người dân bằng Phiếu đánh giá kết quả xây dựng đô thị văn minh vừa được Mặt trận 37 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện, còn có nhiều ý kiến bày tỏ chưa hài lòng (thông qua việc trả lời các câu hỏi). Kết quả khảo sát cho thấy, vấn đề người dân chưa hài lòng tập trung vào tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng để sản xuất, kinh doanh... khiến cảnh quan đô thị lộn xộn, nhếch nhác. Thực trạng rác thải đổ bừa bãi nơi công cộng; đi xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, giành đường vượt ẩu; quảng cáo rao vặt, dán tùy tiện mất mỹ quan, chiếm dụng lòng đường gây ùn tắc giao thông... đang diễn ra hàng ngày, ảnh hưởng lớn đến diện mạo, mỹ quan đô thị. Đặc biệt, phần lớn người dân đánh giá chưa hài lòng là môi trường sống: hệ thống cống thoát nước chưa đảm bảo, thiếu nhà vệ sinh công cộng, hành lang vỉa hè chưa hoàn thiện; hệ thống thùng rác công cộng, xây dựng vườn hoa, công viên chưa sạch đẹp; việc trồng cây xanh, tạo không gian thông thoáng chưa đồng bộ… Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, cư dân đô thị phần lớn xuất phát từ nông dân, chưa thoát khỏi tư duy tiểu nông, chưa sẵn sàng với cơ chế đô thị. Trong khi, việc quan tâm giải quyết các vấn đề đô thị của chính quyền sở tại chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả; công tác quản lý còn nhiều hạn chế.

Từ sự đánh giá của người dân, đặt ra yêu cầu thời gian tới việc xây dựng văn minh đô thị phải gắn chặt với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với quan điểm đưa nếp sống văn minh đô thị gắn vào các tiêu chuẩn bình xét công nhận danh hiệu. Cạnh đó, thực trạng xây dựng đô thị văn minh thời gian qua thiếu hình ảnh của Mặt trận, vai trò tự quản của người dân trong việc chung tay xây dựng đô thị văn minh. Bên cạnh những vấn đề về đầu tư, quản lý nhà nước ở đô thị, cần đưa thêm tiêu chí mềm về văn hóa, an ninh trật tự, để vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện... nhằm xây dựng một bộ tiêu chí về đô thị văn minh nhận được sự hài lòng, đồng tình ủng hộ của người dân chứ không phải xây dựng tiêu chí để “chạy” theo thành tích.

Hy vọng rằng, từ thực trạng công tác khảo sát, Mặt trận sẽ có văn bản kiến nghị chính quyền sửa đổi, bổ sung tiêu chí đô thị văn minh để mỗi người dân đều có trách nhiệm chung tay xây dựng vì một Quảng Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Lê Như Thủy