Khai phóng tiềm năng du lịch Núi Thành

VĂN PHIN 05/11/2019 11:09

Trong những năm gần đây, ngành du lịch ở huyện Núi Thành bắt đầu được đánh thức và địa phương đang tích cực phát huy tiềm năng.

Suối Nà Nghê Tam Sơn - danh thắng Núi Thành. Ảnh: Văn Phin
Suối Nà Nghê Tam Sơn - danh thắng Núi Thành. Ảnh: Văn Phin

Kết quả đạt được

Năm 2016, sau khi ban hành đề án phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến 2020, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có tiềm năng lập đề án riêng, đặc biệt định hướng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Năm 2017 và 2018, huyện Núi Thành đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng nhà điều hành, trạm quan sát, khu tắm nước ngọt, nhà vệ sinh công cộng, bãi để xe và các hạ tầng kinh tế kỹ thuật khác tại biển Rạn; đầu tư hơn 392 triệu đồng xây dựng Bia danh thắng Ghềnh đá Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa (xã đảo Tam Hải); hàng năm, huyện bố trí kinh phí thường xuyên cho đội cứu hộ, cứu nạn biển Rạn (350 triệu đồng)... Nhờ sự đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng và thực hiện tốt công tác quản lý, những năm gần đây, du khách đến các điểm du lịch ở Núi Thành ngày càng tăng. Theo tổng hợp của Phòng VH-TT huyện Núi Thành, năm 2016, số khách quốc tế đến tham quan, lưu trú là 320 lượt, khách nội địa 1.200 lượt; năm 2017 khách quốc tế 550, khách nội địa 2.000; năm 2018 khách quốc tế 700, khách nội địa 4.500 và năm 2019 khách quốc tế 850 và khách nội địa 6.000 lượt. Theo đó, thu nhập bình quân của người dân tham gia hoạt động du lịch ở Núi Thành cũng tăng dần theo từng năm, tương ứng: 15 - 25 - 30 - 35 triệu đồng.

Theo khảo sát, giá vé tham quan du lịch và dịch vụ (gồm ăn uống, lưu trú, mua sắm, trọn gói) ở Núi Thành ở mức khá dễ chịu. Cụ thể dịch vụ du lịch tham quan quanh xã đảo Tam Hải bằng ca-nô trọn gói dao động ở mức 600 nghìn đồng/người (đoàn dưới 10 người); 450 nghìn đồng/người (đoàn 10 - 20 người). Tại điểm du lịch - dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái xã Tam Mỹ Tây (gồm bưởi, xoài, chôm chôm, chanh…), các hộ dân làm vườn mở cửa cho du khách tham quan và mua sắm, kèm theo các dịch vụ ăn uống theo yêu cầu.

Giai đoạn 2016 - 2019, huyện Núi Thành có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách, gây được sự chú ý của các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát để kết nối các tour du lịch, đặc biệt là các tour du lịch biển. Huyện đã bước đầu tạo được các sản phẩm du lịch chủ yếu như loại hình du lịch biển, trong đó mùa cao điểm từ tháng 3 đến tháng 9, tại các bãi tắm biển Rạn (Tam Quang), bãi Rạn (Tam Tiến), Thuận An (Tam Hải), bãi biển Tam Hòa có khoảng 700 - 1.000 lượt người đến tham quan nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, huyện Núi Thành còn có loại hình du lịch sinh thái gồm hố Giang Thơm (Tam Mỹ Tây), bãi Rạn, Bàn Than, suối Nà Nghệ (Tam Sơn)... và loại hình du lịch nhân văn: các di tích lịch sử - văn hóa như Tượng đài chiến thắng Núi Thành, Nhà lưu niệm Bác Võ Chí Công cùng những giá trị văn hóa phi vật thể như hát bả trạo, lễ hội cầu ngư, lễ cầu mùa, hội đua thuyền, lắc thúng… được khôi phục và cuốn hút khách thập phương. Ông Phạm Văn Nên - Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành cho biết, hiện nay hoạt động du lịch quan trọng nhất của Núi Thành là du lịch cộng đồng tại xã đảo Tam Hải, du lịch thăm các di tích văn hóa - lịch sử. Huyện dự kiến một số tour du lịch như “Lên rừng xuống biển”: hồ sinh thái Phú Ninh - biển Rạn - xã đảo Tam Hải; hố Giang Thơm - biển Rạn - xã đảo Tam Hải; tour “Về nguồn”: Nhà lưu niệm Võ Chí Công - làng quê - Tượng đài chiến thắng Núi Thành - Bảo tàng văn hóa Chăm - Óc Eo - cảng Kỳ Hà; tour “Một ngày trải nghiệm xã đảo Tam Hải”.

Khai phóng tiềm năng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - Ngô Đức An, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn trong những năm gần đây được sự quan tâm của UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh, bên cạnh đó, nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa nên đã có hướng phát triển và khởi sắc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần giải quyết để phát huy tiềm năng du lịch vùng cực nam Quảng Nam. Trước hết là công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch Núi Thành còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong việc cùng góp sức phát triển Núi Thành trở thành điểm du lịch vẫn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Nhận thức về du lịch gắn liền với văn hóa, môi trường trong nhân dân còn hạn chế; vốn đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu...

Trong thời gian đến, huyện Núi Thành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế địa phương; vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu - điểm tham quan đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu du lịch. Đầu tư nâng cấp, xây dựng đủ số lượng nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn đảm bảo phục vụ khách du lịch… “Huyện Núi Thành đang đề nghị tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để địa phương đầu tư xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Đồng thời hỗ trợ đưa các điểm du lịch của Núi Thành vào tour du lịch của tỉnh; quan tâm mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa ứng xử đối với du khách, bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch” - ông Ngô Đức An nói.

VĂN PHIN